Hội nghị thượng đỉnh lịch sử
Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này được tổ chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Có thể nói đây là hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất, mang tính lịch sử kể từ khi thành lập NATO đến nay với sự có mặt đầy đủ của 30 quốc gia thành viên và lần đầu tiên 4 nước đối tác thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 2 nước đã được chấp thuận đơn xin gia nhập Liên minh là Thụy Điển và Phần Lan được mời tham dự.
Với chương trình nghị sự dày đặc, các nhà lãnh đạo NATO đã thảo luận và thông qua tuyên bố cuối cùng về một loạt vấn đề, trong đó quan trọng nhất là Khái niệm chiến lược mới, xung đột Ukraine - Nga và gói viện trợ mới cho Ukraine, thay đổi trong phòng thủ tập thể, nâng cao sức chiến đấu của NATO ở Đông Âu, cuộc chiến chống khủng bố và xem xét việc kết nạp thành viên mới Thụy Điển và Phần Lan.
Đáng lưu ý, hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức cùng lúc với hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7 tại Brussels (26-28/6/2022).
Khái niệm chiến lược mới của NATO
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua Khái niệm chiến lược mới hay còn gọi là "Khái niệm Madrid". Khái niệm chiến lược mới này xác định chương trình hành động của NATO đến năm 2030.
Tại hội nghị thượng đỉnh Lisbon năm 2010, trong tuyên bố cuối cùng về tầm nhìn của liên minh, NATO coi Liên bang Nga là "đối tác chiến lược quan trọng" và chủ trương xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với Moscow. Tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev đã được mời đến tham dự hội nghị.
Tại hội nghị thượng đỉnh Madrid lần này, trong khái niệm chiến lược mới, NATO đã coi Nga là mối đe dọa trực tiếp, tức thời và nghiêm trọng nhất đối với an ninh của các đồng minh.
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2010 đã không nhắc gì tới Trung Quốc, nhưng trong "Khái niệm chiến lược mới" của NATO, từ một nước được phương Tây coi là đối tác thương mại quan trọng, Trung Quốc đã lần đầu tiên được nêu đích danh và được coi là một thách thức lớn đối với an ninh, đe dọa các giá trị và lợi ích của liên minh.
Vấn đề Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác
Trong "Khái niệm chiến lược mới" của NATO, việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác cũng được nêu ra như một mối đe dọa đối với các giá trị và lợi ích của Liên minh.
Khái niệm chiến lược mới của NATO còn nêu rõ: "Các lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt của Mỹ là sự đảm bảo cao nhất cho an ninh của NATO. Các lực lượng hạt nhân chiến lược độc lập của Vương quốc Anh và Pháp đóng vai trò răn đe của riêng họ và đóng góp đáng kể vào an ninh chung của Liên minh. Đồng thời, NATO sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo độ tin cậy, hiệu quả, an toàn của sứ mệnh răn đe hạt nhân."
Một nhiệm vụ quan trọng khác được nêu trong khái niệm chiến lược mới của NATO là tăng cường và củng cố sườn phía Đông. Theo chiến lược mới này, "NATO sẽ tiếp tục bảo vệ từng tấc đất của các quốc gia thành viên. Liên minh sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của mình trong dài hạn để đảm bảo an ninh và quốc phòng của tất cả các nước thành viên".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ, các lực lượng đang đóng ở sườn phía Đông sẽ được tăng lên hơn 100.000 binh sĩ và chuyển thành lực lượng phản ứng nhanh. Các kho vũ khí mới cũng sẽ được xây dựng. Các nước đồng minh sẽ hoàn thiện các cuộc tập trận phòng thủ tập thể và đảm bảo sức mạnh của mọi thành viên NATO.
Chiến lược mới khẳng định NATO sẽ tiếp tục giúp Ukraine, tăng cường và phát triển qua hệ đối tác với Gruzia, Bosnia và Herzegovina.
Tăng lực lượng thường trực và chi phí quốc phòng
Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu. Các lực lượng bổ sung sẽ được triển khai tại Tây Ban Nha, Ba Lan, Romania, Anh, Đức, Italia và các nước vùng Baltic để có thể "đối phó với các mối đe dọa đến từ mọi phía, bằng đường bộ, đường không và đường biển".
Các căn cứ quân sự của Mỹ hiện nay ở Đức, Italia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Hy Lạp và Bulgaria sẽ được gia cố thêm.
Ông Biden nói thêm, việc gia tăng đội quân chiến đấu là cần thiết để củng cố an ninh của khu vực, bảo vệ "từng tấc đất của các thành viên Liên minh".
Đồng thời, Tổng thống Biden cũng cam kết thiết lập thêm một căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ba Lan. Một thỏa thuận mới giữa Washington và Warsaw đã được ký kết cho phép Mỹ triển khai 20.000 quân tại Ba Lan và cung cấp cho Warsaw vũ khí trị giá 133 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2035. Điều này có nghĩa là Mỹ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện thường xuyên và lâu dài trên lãnh thổ Ba Lan.
Lầu Năm góc cũng cho biết, Washington dự định tăng số quân thường trực ở châu Âu từ 60.000 binh sĩ trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine lên khoảng 100.000 trong thời gian tới. Trong khi đó, NATO đã đưa ra kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng phản ứng nhanh từ 40.000 lên 300.000 quân. Có thể nói, đây là đợt triển khai quân lớn nhất của NATO kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Ngoài việc tăng cường lực lượng chiến đấu, hội nghị thượng đỉnh lần này đã kêu gọi tăng chi tiêu quân sự hơn nữa, trước mắt tạo quỹ 1 tỷ USD để đầu tư vào việc phát triển các loại vũ khí mới. Hội nghị kêu gọi các nước thành viên thực hiện việc đóng góp tài chính không dưới 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
NATO mở rộng sang phía Đông và phản ứng của Nga
Việc mở rộng NATO sang phía Đông và mới đây nhất là kết nạp Thụy Điển và Phần Lan - hai nước có chung đường biên giới với Nga - đã kéo dài gấp đôi đường biên giới giữa NATO và Nga lên hơn 1600 km. Việc tập trung quân lớn và xây dựng các căn cứ quân sự của NATO sát biên giới Nga là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nga.
Năm 1991, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, khối quân sự Warsaw giải thể, Mỹ và NATO đã cam kết không mở rộng về phía Đông dù chỉ 1 inch. Tuy nhiên, từ khi thành lập năm 1949 chỉ có 12 nước tham gia, đến nay các thành viên NATO đã lên tới 30 nước và sắp tới sẽ tăng lên 32 nếu Thụy Điển và Phần Lan chính thức gia nhập.
Tất cả các nước Đông Âu trước đây là thành viên của Hiệp ước Warsaw và các nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ đã gia nhập NATO. Việc Phấn Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đã hoàn thành vòng bao vây nước Nga từ phía Tây.
Tổng thống Nga Vkadimir Putin đã cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của việc tiếp tục mở rộng NATO sang phía Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự và đưa quân NATO tới sát biên giới Nga chắc chắn sẽ dẫn đến các phản ứng mạnh mẽ từ Nga.
Nga sẽ tăng cường phòng thủ tại vùng Baltic, trong đó có việc triển khai tàu chiến và tên lửa mang vũ khí hạt nhân tại Biển Baltic và Biển Bắc. Phần Lan và Thụy Điển nếu được sử dụng làm tiền đồn của NATO sẽ phải hứng chịu hậu quả đầu tiên.
Moscow cũng đang lên kế hoạch tăng cường lực lượng ở phía Tây và Tây Bắc. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, đến cuối năm 2022, Quân khu phía Tây sẽ thành lập thêm 12 sư đoàn, và quân đội Nga dự kiến sẽ nhận thêm 2.000 đơn vị khí tài và vũ khí.
Các nguồn tin quân sự cho biết, Nga đã triển khai 30.000 quân cùng các chiến đấu cơ Su-31, Su-35, hệ thống phòng không S-400, tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại Belarus. Tên lửa siêu thanh Zircon với độ chính xác cao có thể bay tới mục tiêu cách xa 1000 km trong 6 phút cũng đang được đưa đến Brest. Có thể nói, đây là đợt triển khai quân lớn nhất của Nga ở Belarus kể từ Chiến tranh lạnh kết thúc.
Mặt khác, việc tăng cường hơn nữa vai trò của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) bao gồm 6 nước cộng hòa Liên Xô cũ đang được xem xét. Giữa tháng 5 vừa qua, dưới sự chủ trì của Nga, một cuộc họp thượng đỉnh CSTO đã được tổ chức tại Moscow. Các biện pháp tăng cường hợp tác giữa các nước tham gia và cải thiện hệ thống an ninh tập thể đã được thảo luận.
NATO tăng cường vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương
Trong bối cảnh xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, ngoài việc gia tăng sức ép đối với Nga, các nhà lãnh đạo NATO tiếp tục lo ngại về sức mạnh quân sự và tham vọng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việc mời các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO là nhằm cho dư luận thấy rằng, xung đột quân sự ở Ukraine không làm giảm đi sự chú ý của phương Tây đối với Trung Quốc.
Đó là lý do lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải thành viên NATO được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Madrid.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, để kiềm chế và đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, NATO "đang tìm cách thành lập một chi nhánh của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và liên minh AUKUS gồm Australia, Anh, Mỹ không nằm ngoài kế hoạch này của Mỹ và NATO.
Mặc dù hết sức căng thẳng, nhưng "Khái niệm chiến lược mới" của NATO vẫn nêu rõ: "Liên minh không tìm kiếm sự đối đầu với Moscow, mà là đối thoại. Chúng tôi vẫn sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc với Moscow để quản lý và giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng cường tính minh bạch. Liên minh cũng tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc."