Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại . Việt Nam có bốn địa phương gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản được ghi danh.
Nhằm tăng cường kết nối và trao đổi giữa các cộng đồng thực hành di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co tại Việt Nam và các quốc gia có di sản được ghi danh, lần đầu tiên tại Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và quận Long Biên tổ chức Liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại Nghi lễ và trò chơi Kéo co năm 2023.
Diễn ra từ ngày 17 đến 18/11/2023, liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành Nghi lễ và trò chơi Kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội và TP Dangjin (tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc).
Liên hoan Nghi lễ và trò chơi Kéo co 2023 bao gồm một chuỗi sự kiện diễn ra song song. Vào chiều ngày 17/11, ban tổ chức đã khai mạc triển lãm Chung một sợi dây tại Đền Trấn Vũ, Long Biên.
Khai mạc triển lãm "Chung một sợi dây" thu hút được nhiều người đến tham quan.
Triển lãm trưng bày các pano bài viết và hình ảnh giới thiệu giá trị, ý nghĩa và hình thức Nghi lễ và trò chơi Kéo co tại bốn nước Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam. Triển lãm do Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hà Nội chủ trì, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) phối hợp thực hiện.
Trong cùng ngày, tọa đàm quốc tế Bảo vệ và phát huy Nghi lễ và trò chơi Kéo co trong đời sống đương đại cũng được diễn ra. Tọa đàm có sự tham gia của hơn 150 đại biểu và khách mời là đại diện các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, viện nghiên cứu, bảo tàng, ban quản lý di tích, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan nước ngoài, tổ chức quốc tế...
Thông qua sự kiện tọa đàm nói riêng và Liên hoan nói chung, Ban tổ chức mong muốn tích cực thúc đẩy kết nối giao lưu, mở rộng và xây dựng các mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương và cộng đồng thực hành Nghi lễ và trò chơi Kéo co tại Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippines, bao gồm cả các cộng đồng chưa tham gia hồ sơ UNESCO; đồng thời sự kiện cũng hướng đến việc chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 10 năm di sản được ghi danh dự kiễn diễn ra tại Hàn Quốc vào năm 2025.