Anh Nguyễn Tuấn Anh (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, cách đây khoảng nửa năm, anh được một môi giới tên Tuấn dẫn đi xem căn nhà có vị trí khá đắc địa, giá cả lại hợp lý. Căn nhà có diện tích 40m2, xây 2 tầng, giá 4,2 tỷ đồng. So với những căn nhà nằm trên đường 4 mét khác ở cùng khu vực, đây là căn có giá hợp lý nhất khi rẻ hơn khoảng 100 triệu đồng.
Anh miêu tả, căn nhà nằm đối diện trường mầm non, đường trước nhà rộng tới 4 mét, nên hai ô tô tránh nhau thoải mái. Chỉ có điều đường dẫn vào căn nhà đi khá lòng vòng, qua nhiều ngõ ngách.
Khi thắc mắc vấn đề này, anh được môi giới giải thích rằng căn nhà thông ra đường chính chỉ khoảng 200 mét và chỉ cần đi thẳng là tới đường chính. Nhưng họ phải dẫn anh đi đường ngõ vì giờ xem nhà là giờ tan tầm, xe cộ đi lại đông đúc, tắc đường, nên đi đường ngõ ngách để tránh tắc.
"Vợ chồng tôi rất ưng ý căn nhà này khi vị trí và giá tiền đều phù hợp. Vì vậy, chúng tôi chỉ cần kiểm tra quy hoạch xong là vội vã cọc 200 triệu đồng ”, anh Tuấn Anh nói.
Chiêu đẩy giá nhà cạnh nghĩa trang khiến nhiều người mất tiền oan.
Nhưng sau khi cọc được một tuần, vợ chồng anh Tuấn Anh mới có thời gian rảnh để xem lại căn nhà và tá hỏa phát hiện nó nằm cách khu nghĩa trang chỉ khoảng gần 50 mét. Do khuất tầm nhìn, khu nghĩa trang lại được xây tường bao kín xung quanh, chỉ có một cổng vào bằng tôn xanh nên nếu không để ý kỹ sẽ không phát hiện ra.
" Ban đầu, khi nhìn chiếc cổng tôn quây kín, chúng tôi tưởng đó là đất để không của một dự án nào đó hoặc đất nhà người ta mua chưa xây dựng. Lúc phát hiện ra nghĩa trang, chúng tôi rất bất ngờ và bức xúc. Vì với nhà cạnh nghĩa trang thì mức giá 4,2 tỷ đồng là quá cao ”, anh Tuấn Anh nói thêm.
Biết bị "sập bẫy", vợ chồng anh Tuấn Anh chấp nhận mất 200 triệu đồng tiền cọc thay vì xuống tiền mua đắt căn nhà cạnh nghĩa trang.
Giống vợ chồng anh Tuấn Anh, chị Nguyễn Minh Phương (Huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng mất tiền oan vì không biết căn nhà mình mua giáp nghĩa trang làng.
Chị Phương chia sẻ, lúc mua căn nhà, con đường dẫn vào nhà chị xung quanh rất thoáng đãng. Chủ đầu tư xây dựng 4 căn nhà và chị là người mua nhà đầu tiên, nên được chọn căn rộng nhất.
Căn nhà thuộc khu đất phía sau của nhà dân, họ mở con ngõ rộng 2 mét từ mặt đường để đi vào khu đất này. Lúc mua nhà, chị Phương rất cẩn thận khi hỏi chủ đất cũ đang sống ở phía trước về lô đất. Khi thấy không có vấn đề gì, chị Phương không ngần ngại bỏ 3 tỷ đồng để mua.
Khi chuyển về sinh sống được một thời gian, chị Phương mới bất ngờ khi biết phía sau căn nhà mình là khu nghĩa địa nhỏ.
“ Chủ đầu tư rất khéo léo khi thiết kế căn hộ, không mở cửa sổ phía sau nhà hay để sân phơi về phía nghĩa địa, do vậy, khách lên tầng thượng cũng không thể nhìn thấy phía sau nhà. Nếu căn nhà nắm sát khu nghĩa địa như nhà tôi, thì giá mua chỉ 2,5 tỷ đồng, tôi đã mua đắt tới 500 triệu đồng ”, chị Phương than.
Theo ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc công ty bất động sản Tuấn Anh, trong thực tế, người mua bất động sản có thể gặp phải một số giao dịch tiềm ẩn rủi ro hoặc mua nhanh bán gọn mà chưa kiểm tra thông tin bất động sản, trong đó có việc mua phải nhà đất cạnh nghĩa trang hoặc đất dính quy hoạch.
Nếu mua phải các căn nhà nằm sát vách nghĩa trang thì chắc chắn khách hàng đã “mất oan” một số tiền lớn, vì các căn nhà này thường có giá rẻ hơn thị trường từ 10 - 20%.
Tuy nhiên, nếu khách hàng không đầu tư, chỉ mua để ở thì cũng không nên quá thất vọng. Vì nhà ở gần nghĩa trang cũng không phải điều gì quá đáng sợ.
Thực tế, các khu nghĩa trang nhỏ lẻ nằm rải rác quanh các làng xưa thì cũng không còn hiện tượng chôn cất mới nên không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Quan điểm ở gần nghĩa trang bị ô nhiễm cũng dần bị loại trừ bởi nguồn nước được sử dụng tại các dự án chung cư hiện nay là nguồn nước sạch Sông Đà không phải là giếng nước ngầm tại khu vực.
“ Việc các căn nhà, thậm chí dự án lớn tại Hà Nội dính nghĩa trang là chuyện không hiếm. Có điều khi thương lượng mua, khách hàng cần biết để ép giá chủ đầu tư thay vì bị “chém” giá cao ”, ông Giang Anh Tuấn chia sẻ.