Tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng đáng kể sau khi kế hoạch thay đổi lịch chốt số công tơ điện vào ngày cuối cùng hàng tháng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội được Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) chính thức thực hiện từ ngày 29/2 vừa qua. Trước khi thực hiện thay đổi lịch chốt số lần này, EVNHANOI đã có Hợp đồng sửa đổi, bổ sung về việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, đồng thời có thông báo bằng tin nhắn gửi tới tất cả các khách hàng sử dụng điện từ ngày 24/1, thông qua ứng dụng Zalo EVNHANOI.
Tại sao lại chọn thay đổi từ cuối tháng Hai?
Việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện, hoàn thiện lắp đặt công tơ điện tử cũng như nâng cấp hệ thống tự động thu thập dữ liệu theo lộ trình là điều đáng làm, nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống cung cấp, mang lại sự tiện lợi cho các khách hàng sử dụng điện đảm bảo công bằng và tăng tính giám sát. Việc này được người dân, xã hội đồng tình và ủng hộ.
Nhưng điểm không thuyết phục là thời điểm thực hiện thay đổi lịch chốt số công tơ điện vào ngày 29/2/2024 vừa qua khiến nhiều người dân không đồng tình. Thậm chí nhiều ý kiến tỏ thái độ bức xúc khi tiền điện của nhiều hộ gia đình trong 2 tháng phải trả 1 lần rất nhiều vì tính theo số ngày quá dài so với trước đó, nhất là lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trước tháng 1/2024, tiền điện tối đa chỉ phải trả cho 1 tháng trung bình là 30 ngày, nhưng trong kỳ hóa đơn tháng 2/2024 đã được nối thêm từ 21 - 27 ngày của tháng 1/2024, khiến chỉ số điện năng tiêu thụ của các hộ tăng lên, kéo theo tiền điện tính theo lũy kế lên bậc 6 khiến hóa đơn điện của cả tháng 1 và 2 tăng đột biến, lên gấp 2 thậm chí gấp 3 lần so với những tháng trước đó. Trong khi nhiều gia đình thời gian này sử dụng điện còn ít hơn những tháng trước bởi nghỉ Tết rời thành phố về quê.
Như ý kiến của bạn đọc Trần Hạnh Tú phản ánh về tòa soạn, nếu so với 3 tháng gần nhất, tiền điện tháng 2 cao bằng cả 3 tháng trước đó cộng lại. Trong khi tháng 2 vừa qua lại trùng vào Tết Nguyên đán, cả gia đình về quê hoàn toàn không sử dụng điện trong đúng 1 tuần. Chưa kể thời gian đó bọn trẻ được nghỉ Đông và nghỉ Tết Nguyên đán (tổng 21 ngày), nhà chủ yếu chỉ có 2 người lớn nên lượng điện dùng cũng ít hơn bình thường.
Các ý kiến khác phản hồi rằng, năm nào cũng thế, thời điểm tháng Tết là các hộ dân sống ở thành phố tiêu thụ ít điện nhất, vì đa phần các hộ dân về quê, số ngày sử dụng điện ít đi và tiền điện giảm, nhưng năm nay số ngày sử dụng ít đi nhưng tiền điện lại tăng thêm là điều rất khó hiểu.
Bức xúc hơn trên diễn đàn mạng xã hội có khách hàng kêu: “Mặc dù ngành điện “lén lút” gửi thông báo tiền điện lúc 2 - 3 giờ sáng để "giảm sốc" tâm lý người dân, nhưng không làm giảm bớt “rung chấn” của tôi khi nhìn 2 cái bill thanh toán. Cả gia đình chỉ 3 mống mà phải trả trên 2,7 triệu tiền điện cho lần này. Tháng này đóng tiền điện xong cạp đất, uống nước hồ sống nhé!”.
Hay như 1 comment khác lại giễu cợt rằng: “Combo tiền điện tiền nước tăng méo mặt người dân. Sao phải gửi thông báo tiền điện lúc 2-3h sáng nhỉ? Vị nào tư vấn kiểu gửi hóa đơn này là phản tác dụng. Kéo dài thời gian chốt chỉ số công tơ rồi tính lũy kế bậc thang là "..." trên lưng người tiêu dùng”.
Một người dân tên Hoàng Đắc Thọ ngạc nhiên thắc mắc: “Tại sao hóa đơn điện nhà em đợt này 46 ngày, trong đó có 6 ngày không ở Hà Nội, tức là tổng số chỉ có 40 ngày dùng điện nhưng số điện lại gấp đôi. Mấy đứa bạn rảnh rỗi tính theo công thức EVN đưa ra, nhưng khi cộng gộp sẽ tăng thêm mấy chục nghìn so với việc chia tách riêng hóa đơn cho từng tháng. Vài chục nghìn với 1 hộ dân là nhỏ, nhưng nếu nhân với 2,8 triệu hộ dân của Hà Nội thì số tiền sẽ là không nhỏ.
Ngoài ra còn rất nhiều ý kiến khác bất bình vì việc chọn thời điểm chốt số công tơ điện vào ngày 29/2 là không hợp lý. Họ phàn nàn Điện lực Hà Nội đã biết “chớp thời cơ” khi ngày chốt số công tơ điện của tháng 1 rơi vào đúng dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024, do đó cố tình kéo dài thêm số ngày sử dụng điện của khách hàng sang hết tháng 2. Tại sao không chốt số vào ngày cuối tháng tháng 1 hay từ cuối tháng 12/2023? Hay muộn hơn là vào tháng 3/2024?
Tiền điện phải được tính tách bạch cho từng tháng
Lý giải về những thắc mắc của người dân về chỉ số điện năng sử dụng cũng như tiền điện tháng 1 và 2 vừa qua tăng đột biến, EVNHANOI cho biết, việc tính tiền điện theo bậc thang luỹ tiến không có sự thay đổi so với trước. Nhưng định mức tính tiền điện bậc 1 tính tăng từ 50kWh đầu lên 92kWh đầu; định mức tiền điện bậc 2 tính tăng từ 100kWh lên 184kWh điện với giá không đổi. EVNHANOI cam kết quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo, do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.
“Khách hàng có thể kiểm tra sản lượng điện, sử dụng công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến để tra cứu và tính hóa đơn tiền điện hằng tháng. Lượng điện năng ghi nhận để tính hóa đơn tiền điện trong tháng dịch chuyển sẽ nhiều hơn so với hóa đơn tiền điện của những tháng trước. Các tháng tiếp theo đó sẽ trở lại bình thường”, đại diện EVNHANOI khẳng định.
Để giải đáp cho việc tiền điện tăng khi thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, Bà Tô Lan Phương - Trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI cho biết: “Việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng thì có thể được giải thích như sau: Bình thường thì khách hàng sử dụng điện sẽ ghi chỉ số từ ngày mùng 3 và có thể là đến ngày 20, thì thay vì việc khách hàng sẽ thanh toán tiền điện cho 30 ngày thì số ngày sử dụng điện thực tế có thể là từ 41 ngày đến 58 ngày. Quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo do căn cứ theo điều chỉnh số lượng ngày sử dụng điện thực tế. EVNHANOI sẽ căn cứ trên các Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước và mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo ngày sử dụng thực tế của kỳ ghi chỉ số hóa đơn đó”.
Chẳng hạn, kỳ thanh toán bình thường là 31 ngày, định mức tính tiền bậc 1 là 50 số điện; giờ kỳ thanh toán kéo dài thành 57 ngày (tăng 1,84 lần) thì định mức tính tiền bậc 1 cũng tăng 1,84 lần, lên thành 92 số điện.
Bình luận về thời điểm chốt số công tơ điện cũng như cách tính tiền điện của EVNHANOI trong 2 tháng vừa qua, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc thay đổi thời gian chốt số công tơ điện người dân không phản đối. Nhưng lũy kế điện năng tăng ở các bậc cao do việc thay đổi lịch chốt số điện kéo dài ngày được tính cho các hộ gia đình, tiền điện phải được tính tách bạch cho từng tháng để tránh những thiệt hại không đáng có cho các hộ dân.
“Nếu thực hiện theo cách tính của EVNHANOI, rất ít hộ gia đình sử dụng dưới 200kW/tháng được hưởng lợi, nhưng đa phần các hộ gia đình sử dụng điện với mức trung bình 300 - 400kW/tháng trở lên ảnh hưởng rất lớn. Do tổng thời gian sử dụng kéo dài, chỉ số điện năng tăng cao nên số tiền điện của nhiều hộ gia đình thường ở thang bậc 4 kỳ này sẽ tăng lên thang bậc 5, từ thang bậc 5 tăng sẽ lên thang bậc 6, khi đó số tiền phải trả cao nhất đến 3.151 đồng/kW là điều người dân khó chấp nhận được. Ngành điện không thể vì mức trích lập của mình để đẩy tất cả những bất lợi sang cho doanh nghiệp và người dân”, ông Phú thẳng thắn.