Khách du lịch Trung Quốc: ‘Vũ khí' mới của Bắc Kinh trong cuộc chiến địa chính trị tại châu Á

Minh Tuấn |

Sử dụng đòn bẩy du lịch để đạt được lợi ích chính trị là cách mà Bắc Kinh đang áp dụng đối với nhiều quốc gia châu Á.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế , Trung Quốc hiện nay có nhiều công cụ để mở rộng ảnh hưởng, đạt được các mục tiêu chính trị của mình trong khu vực và thế giới.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” hay các tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển khu vực là những công cụ hữu hiệu của Bắc Kinh hiện nay. Tuy vậy, Trung Quốc cũng chứng minh rằng, họ có khả năng sử dụng các công cụ khác để theo đuổi các mục tiêu chính trị (mà không liên quan đến trao đổi kinh tế). Một trong những “vũ khí” mới đó nằm trong lĩnh vực du lịch.

Hai yếu tố khiến dòng chảy du lịch trở nên hấp dẫn đối với các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh là quy mô ngành du lịch và sự kiểm soát của Trung Quốc đối với hoạt động du lịch ra nước ngoài.

Trung Quốc hiện nay trở thành quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất thế giới. Trong 2 thập kỷ qua, lượng du khách Trung Quốc ra nước ngoài tăng hơn 25 lần, từ 5,3 triệu người năm 1997 lên con số 130 triệu năm 2017.

Trong năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đóng góp khoảng 250 tỷ USD cho các nền kinh tế nước ngoài, gấp đôi con số đóng góp của du khách Mỹ và gấp 3 lần của Đức. Chính phủ Trung Quốc sử dụng một số công cụ đòn bẩy đối với khách du lịch, mà chính phủ các nước khác sẽ bị ảnh hưởng.

Hầu hết khách du kịch Trung Quốc chưa quen với việc đi ra nước ngoài và khả năng hạn chế về ngoại ngữ. Do đó, 38 % khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài theo nhóm. Trung Quốc cũng cấp giấy phép và các hình thức đòn bẩy chính thức và không chính thức đối với các nhà điều hành nhóm du lịch này.

Công cụ đòn bẩy thô sơ nhất của Bắc Kinh, giúp tăng lượng khách du lịch Trung Quốc tại một quốc gia ưu tiên này đó là cấp các “quy chế tình trạng các quốc gia” được phép đến thăm. Điều này giúp định hướng các nhóm du lịch trong nước đi đến quốc gia đó, với mức tăng trung bình là 50%.

Chính phủ Trung Quốc có quyền pháp lý rất lớn đối với các công ty lữ hành. Do đó, họ cũng có thể tìm cách gây ảnh hưởng doanh thu của các hãng hay các nước có nhiều du khách đến, bằng việc cắt giảm các tour trên.

Ba công ty du lịch có doanh thu lớn nhất Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước. Chỉ có 8% trong số 25 nghìn công ty du lịch được cấp phép cung cấp các dịch vụ du lịch quốc tế. Tất cả các hãng điều hành nước ngoài không được cung cấp dịch vụ cho công dân Trung Quốc.

Trung Quốc có lượng du khách ra nước ngoài rất lớn và quản lý pháp lý về du lịch chặt chẽ. Cho nên, có nhiều quốc gia bị Bắc Kinh sử dụng “vũ khí du lịch” để trừng phạt.

Khách du lịch Trung Quốc: ‘Vũ khí mới của Bắc Kinh trong cuộc chiến địa chính trị tại châu Á - Ảnh 2.

Du khách Trung Quốc chi khoảng 250 tỷ USD đi du lịch nước ngoài.

Thổ Nhĩ Kỳ là nạn nhân đầu tiên cho công cụ đòn bẩy này của Bắc Kinh. Năm 2000, Ankara từ chối việc một tàu sân bay cũ mà Trung Quốc mua của Ukraine, được phép di chuyển qua eo biển Bosphorus. Bắc Kinh ngay lập tức sử dụng công cụ trừng phạt du lịch này, bằng việc hạn chế khách Trung Quốc đi du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bắc Kinh sau đó còn gây áp lực để Ankara buộc phải thỏa hiệp.

Năm 2012-2013, giai đoạn tranh chấp căng thẳng trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Trung Quốc đã thao túng dòng khách du lịch tới Nhật Bản. Mặc dù vậy, Tokyo vẫn không thay đổi chính sách, cho dù lượng khách đến từ Trung Quốc đã giảm 24%.

Tương tự, vào năm 2017, Bắc Kinh phản ứng lại hành động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, khiến cho lượng khách du lịch Trung Quốc giảm từ 7 triệu (năm 2016) xuống còn 3 triệu (năm 2017). Tuy vậy, chính phủ Hàn Quốc vẫn kiên quyết triển khai hệ thống này.

Năm 2016, Trung Quốc hạn chế dòng khách du lịch sang Đài Loan, khi Bắc Kinh tỏ ra khó chịu với chính sách đối ngoại và quốc phòng của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.

Tháng 2/2018, Bắc Kinh cắt giảm hàng trăm chuyến bay trực tiếp đến Đài Loan vào thời gian cao điểm du lịch. Tháng 7/2019, chính quyền Trung Quốc tiếp tục cấm công dân từ 47 thành phố đại lục đi du lịch đến Đài Loan, trừ các tour theo nhóm. Động thái này được xem là một nỗ lực nhằm làm giảm uy tín của bà Thái Anh Văn trong vòng bầu cử sắp tới.

Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt bằng công cụ du lịch cũng gây ảnh hưởng cho ngành du lịch Trung Quốc. Những thay đổi đột ngột về pháp lý khiến người dân gặp khó khăn cho kế hoạch đi du lịch nước ngoài, thái độ phản kháng của người dân sẽ bị đẩy lên cao, vì sự độc đoán của chính quyền.

Xu hướng du lịch một mình của giới trẻ Trung Quốc tăng lên nhanh trong thời gian gần đây. Do đó, Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc gây áp lực và kìm hãm dòng khách du lịch ra nước ngoài.

Sự biến động của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay sẽ tác động lớn đến số lượng khách du lịch trong nước. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn tiếp tục can thiệp vào ngành du lịch và sử dụng nó như một công cụ theo đuổi các mục tiêu chính trị đối với các nước trong khu vực và thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại