Liên quan đến vụ việc hình ảnh của cặp đôi có hành động thân mật thái quá trong rạp CGV đăng lên facebook đang gây xôn xao, nhiều người đặt ra câu hỏi khách hàng cần phải làm gì khi hình ảnh riêng tư của mình bị phát tán?
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Khi khách hàng mua vé vào xem phim được coi là việc xác lập hợp đồng dân sự giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ là CGV.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong quá trình thực hiện hợp đồng, về nguyên tắc, CGV không được tiết lộ thông tin bí mật cá nhân của khách.
Nếu hình ảnh cá nhân "nhạy cảm" của khách bị tung lên mạng trong quá trình thực hiện hợp đồng gây thiệt hại đến quyền nhân thân thì trước tiên họ có quyền làm đơn tố cáo đến các cơ quan pháp luật để xử lý người đưa các hình ảnh đó lên mạng.
Nếu có căn cứ xác định người có lỗi gây ra thiệt hại về quyền nhân thân thì khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp này, CGV phải có trách nhiệm liên đới bồi thường theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.
Còn về việc có được lắp camera giám sát tại những nơi công cộng như rạp chiếu phim có bị pháp luật nghiêm cấm hay không?, luật sư Thơm trả lời: Về nguyên tắc, pháp luật không cấm việc lắp đặt camera giám sát trong nội bộ cơ quan tổ chức, hay trong khuôn viên thuộc quyền quản lý của mình.
Nhưng việc lắp đặt này phải được sử dụng đúng mục đích hợp pháp để giám sát, phát hiện và ngăn ngừa những hành vi vi phạm nội quy và vi phạm pháp luật.
Nếu lợi dụng hình ảnh camera giám sát này để nhằm các mục đích xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân thì tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Người nào chịu trách nhiệm quản lý, lưu giữ các hình ảnh của người khác qua camera giám sát tại nơi mình lắp đặt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nếu trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nội quy của cơ quan, tổ chức thì có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc vi phạm hoặc thông báo cho cơ quan pháp luật giải quyết nếu sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Luật sư Thơm cũng nêu quan điểm: Rạp chiếu phim được coi là nơi công cộng nhưng khách hàng tại rạp của CGV không bày tỏ hành vi thân mật thái quá một cách công khai cho mọi người xem và đưa lên mạng xã hội.
Nếu họ công khai thể hiện hành vi "nhạy cảm" trước mọi người thì khi đó không còn được coi là bí mật đời tư.
Dù là không còn bí mật đời tư, nhưng pháp luật nghiêm cấm sử dụng các hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội để đưa lên không gian mạng nhằm các mục đích khác nhau.
Trong trường hợp này, người nào đưa các thông tin trái luật lên mạng xã hội thì tùy theo tính chất, mức độ, động cơ vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính.
Vụ việc trong rạp chiếu phim CGV xảy ra vừa qua khi hình ảnh nhạy cảm của khách xem phim bị đưa lên mạng xã hội là hồi chuông cảnh báo việc quản lý các hình ảnh camera giám sát khi được sử dụng không đúng mục đích.