Khắc phục tình trạng 'một quả trứng, 3 bộ cùng quản'

Phạm Anh |

Sáng 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã có cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao.

Tiết kiệm hơn 800 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Ngày 25/10, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm VPCP dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ NN&PTNT về việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2017, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng, Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; 8 văn bản còn lại, Bộ đang xây dựng tích hợp còn 4 văn bản.

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.

Bộ đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định, sẽ hoàn thành vào Quý II/2018.

Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.

Theo ông Tuấn, Bộ NN&TNT tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 TTHC còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC.

Để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 Thông tư trong Quý I/2018.

Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.

Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 TTHC kiểm tra chuyên ngành gồm 32 TTHC liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 TTHC liên quan đến hàng hóa xuất khẩu.

Hiện thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn như đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.

Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển…

Thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết tiếp tục rà soát, cắt giảm 5 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.

Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch thực vật ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, cắt giảm 4 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn; cắt giảm 9 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản.

Phương án đơn giản hóa các TTHC liên quan đến KTCN nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.

Không để 1 quả trứng, tới 3 bộ cùng quản lý

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, đến nay, vẫn còn tình trạng một quả trứng gà chịu sự quản lý của Ba bộ vì thế cần phải đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục.

Ngoài ra, khó khăn trong việc kiểm tra chuyên ngành hiện nay là tình trạng độc quyền vì độc quyền mà quá tải xảy ra ở một số khâu.

Vì thế cần phải đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo xóa bỏ độc quyền và tạo thuận lợi cho việc kiểm tra chuyên ngành như việc kiểm tra máy móc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành nông nghiệp từ việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh doanh liên quan đến vấn đề nông nghiệp trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng nêu ra một số vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu Bộ NN&PTNT phải khắc phục, triển khai thực hiện nghiêm.

Theo đó, từ 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấm chặt phá rừng, tuy nhiên vấn đề quản lý rừng tự nhiên, cháy rừng, chuyển đổi đất rừng…cần cần phải có sự quan tâm và quản lý tốt hơn để không để xảy ra các sự vụ như vừa qua.

Cùng đó, có giải pháp chấn chỉnh đánh bắt cá trên biển, trong đó cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh mìn bắt cá trên biển.

Ông Dũng, đề nghị Bộ NN&PTNT cần phải làm rõ về vấn đề chồng chéo trong quản lý các mặt hàng, thủ tục…giữa Bộ NN&PTNT với các bộ, và các đơn vị trong Bộ.

Ông Dũng ví dụ, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý khác nhau ví dụ con kén tằm vừa phải chịu vấn đề kiểm dịch vừa phải chịu kiểm tra an toàn thực phẩm, hay cá vừa phải chịu kiểm tra theo Thông tư 25 vừa phải chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.

Một mặt hàng chịu sự quản lý từ hai bộ trở lên chiếm 58,8% và thời gian thông quan kiểm tra chuyên ngành chiếm 92,%. Chẳng hạn như sản phẩm sữa, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Thông tư 25 và Quyết định 36.

Ngay cả sữa chua, sữa bột vừa phải kiểm dịch theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT vừa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương…

Ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra những vấn đề đang chồng chéo thuộc Bộ NN&PTNT và vấn đề giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

“Khẩn trương, rà soát, sửa đổi bổ sung theo hướng kiểm tra, chuyên ngành, điều chỉnh theo hướng một mặt hàng chỉ chịu sự quản lý của một bộ”, ông Dũng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại