Khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông trong tháng 12

Văn Ngân/VOV.VN |

Chuyên gia khí tượng nhận định, trong tháng 12, vẫn còn khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới (vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hoặc bão) trên khu vực Biển Đông và không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất tại khu vực Bắc Bộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Trong tháng 12/2022 vẫn còn khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới (vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hoặc bão) trên khu vực Biển Đông. Cùng với đó, không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất tại khu vực Bắc Bộ. Do vậy, khu vực này có nhiều ngày rét, trong đó rét đậm có khả năng tập trung trong thời gian ngắn vào thời kỳ đầu và cuối tháng 12".

Khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông trong tháng 12 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, có nơi cao hơn từ 20-50mm. Các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 40-80mm. Đặc biệt, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 70-150mm, có nơi cao hơn 200mm so với trung bình nhiều năm. Xu thế nhiệt độ trong tháng 12 trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Ông Nguyễn Đức Hòa cảnh báo, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để phòng tránh kịp thời.

Bên cạnh đó, chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời các thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau và vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

"Người dân trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; cần tìm hiểu thêm về những hiện tượng thiên tai trong khu vực mình sinh sống như xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, lụt. Cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó. Chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng và trang bị cần thiết (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng…) cho phòng, tránh thiên tai khi có cảnh báo", ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại