KFO - Chìa khoá du học New Zealand: Làm việc ở xứ sở Kiwi

thinga |

Tìm việc làm ở New Zealand sau du học có thực sự khó khăn? Du học sinh cần chuẩn bị những gì từ kiến thức cho đến kỹ năng để có thể lập thân, lập nghiệp ở xứ sở Kiwi?

Số thứ 3 của hội thảo trực tuyến "Chìa khóa du học New Zealand 2021" là chia sẻ của những cựu du học sinh đã tìm được công việc, thậm chí đang thăng tiến tốt ngay trên xứ sở đáng sống nhất hành tinh.

New Zealand: Một thị trường làm việc rộng mở

Thị trường việc làm tại New Zealand phát triển rất mạnh trong những năm gần đây do sự tăng trưởng kinh tế vững chắc khoảng 3% mỗi năm, trở thành điểm đến triển vọng cho lao động nước ngoài, bởi dân số ít (chỉ trên dưới 5 triệu người bản địa) và tỷ lệ dân số trẻ không cao.

Tiến sĩ Linh Hồ, Giảng viên Tài chính Đại học Lincoln, chia sẻ tại hội thảo: "Khi quyết định học Tiến sĩ, tôi đã cân nhắc rất nhiều lựa chọn và thấy rằng New Zealand là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, vì thế tôi bắt đầu "săn" học bổng Chính phủ New Zealand để theo học tại đây."

Sau khi hoàn thành khóa học Tiến sĩ, Linh Hồ được trường mời ở lại giảng dạy. Chị Linh Hồ nhận xét, môi trường giáo dục tại New Zealand khá khác biệt so với Việt Nam. Họ đòi hỏi rất cao chuyên môn của người dạy và luôn lấy trải nghiệm của người học làm trọng tâm.

Thực tế, không chỉ giáo dục, quy định và thái độ làm việc ở New Zealand cũng rất khác. Đặc biệt là tính công bằng và sòng phẳng. TS Linh Hồ cho biết rằng, bên tuyển dụng thường khuyên người lao động phải tham vấn kỹ với luật sư về hợp đồng, tránh những thiệt thòi không đáng có cho họ. "Họ muốn đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động", TS Linh Hồ nhấn mạnh.

Một khi bạn đã tìm được việc làm ổn định tại New Zealand, bạn nghiễm nhiên được thừa nhận như là một thành viên bình đẳng của xã hội. "Các con tôi đều học tập tại New Zealand, được kiểm tra các vấn đề về sức khỏe hằng năm hoàn toàn miễn phí cho đến đủ 14 tuổi", TS Linh Hồ cho biết thêm.

Lá đơn xin việc thứ 201 và câu chuyện nắm bắt cơ hội

Rất nhiều du học sinh Việt tại New Zealand quyết định ở lại lập nghiệp sau khi học xong. Dĩ nhiên không phải bạn trẻ nào cũng may mắn tìm được việc làm theo đúng ngành học của mình.

Chị Vinh Nguyễn, sau khi lấy xong bằng Quản trị kinh doanh tại Đại học Victoria Wellington đã đặt mục tiêu ở lại, bắt đầu quá trình tìm việc làm. Trong một năm, Vinh Nguyễn đã gửi hồ sơ đến gần 200 công ty lớn nhỏ, và nhận đúng… 200 lời từ chối.

Nhưng cũng chính từ 200 lời từ chối đó, chị nhận ra đâu là những thứ chị còn thiếu và phải bù đắp thế nào. Vinh Nguyễn bắt đầu tham gia các khóa học online ngắn hạn về phân tích, quản trị dữ liệu, đồng thời tiếp tục nộp CV, trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Cuối cùng, lá đơn thứ 201 đã không bị trả về: Chị nhận được lời mời làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho Bộ Điện lực. Vinh Nguyễn cho rằng, chính kinh nghiệm và kiến thức, kỹ năng thu nhặt được của những công việc bán thời gian đã giúp chị thuyết phục được hội đồng tuyển dụng. 18 tháng sau, Vinh Nguyễn tự tin nộp hồ sơ vào vị trí chuyên viên phát triển kho dữ liệu tại Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm, và tiếp tục thuyết phục được nhà tuyển dụng. Không những được nhận vào làm, chị còn được tài trợ toàn bộ học phí để học thêm về lập trình trong ba tháng.

KFO - Chìa khoá du học New Zealand: Làm việc ở xứ sở Kiwi - Ảnh 1.

Chị Vinh Nguyễn, chuyên viên quản lý dữ liệu kho của Bộ Thương mại, sáng tạo và việc làm thuộc Chính phủ New Zealand.

Anh Tân Nguyễn, cựu du học sinh Việt, hiện đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia tại New Zealand cũng là một ví dụ điển hình cho sự cố gắng không ngừng nghỉ. Anh Tân chia sẻ "Tôi đã từng làm việc cho một bảo tàng không lương 6 tháng trong khi bạn bè đã có công việc ổn định, mặc dù vậy tôi vẫn cố gắng làm để lấy kinh nghiệm, thậm chí làm nhiều hơn để giữ được vị trí đó. Nhờ vậy, tôi mới quen được giám đốc nhân sự của bảo tàng, và chính nhờ ông ấy giới thiệu mà tôi mới có công việc tại tập đoàn như hiện nay".

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ đang có mong muốn du học và định cư tại New Zealand, cả 3 khách mời trong buổi hội thảo đều cho rằng bản thân mỗi du học sinh nên cố gắng trau dồi và nắm bắt cơ hội. "Cần phải chủ động tìm kiếm cơ hội. Người New Zealand họ không phô trương, họ sẽ không nói cho bạn biết những gì họ đang có, bạn phải chủ động giới thiệu bản thân và tìm kiếm những lời khuyên từ họ" - anh Tân Nguyễn chia sẻ.

Chuỗi hội thảo trực tuyến "Chìa khoá du học New Zealand 2021" sẽ được tiếp nối với chủ đề "5 lý do chọn New Zealand qua lăng kính Du học sinh Việt" vào lúc 20g00 ngày 30/07/2021 với sự tham gia của các cựu du học sinh New Zealand.

Buổi hội thảo cung cấp những thông tin giá trị về đất nước New Zealand, các lý do lựa chọn New Zealand thông qua các trải nghiệm thực tế từ các du học sinh Việt.

Đăng ký tham gia tại: https://isb.edu.vn/chia-khoa-du-hoc-new-zealand-2021-chu-de-5/

KFO - Chìa khoá du học New Zealand: Làm việc ở xứ sở Kiwi - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại