Làng Phúc Am (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng nghề làm đồ vàng mã lớn nhất tại Hà Nội, nhiều người vẫn gọi đùa là làng "âm phủ'.
Người dân làng Phúc Am cho biết, ở đây họ sản xuất vàng mã theo quy mô hộ gia đình chứ ít nhà mở cơ sở. Có mặt tại một hộ gia đình sản xuất vàng mã tại làng Phúc Am chiều 27/2 (11/1 âm lịch), PV mới cảm nhận được không khí khẩn trương làm việc của làng nghề, những khuôn mã được chất ngổn ngang khắp làng. |
Vào dịp đầu năm, nhu cầu cúng bái, giải hạn nhiều chính vì vậy, khi PV có mặt tại làng nghề vào những ngày này mới thấy được không khí bận rộn và hối hả của làng nghề sản xuất vàng mã truyền thống Phúc Am. Nhiều gia đình sản xuất vàng mã với quy mô lớn đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng để kịp chuyển cho khách, đơn hàng đông nên nhiều gia đình phải tăng cường làm cả trong dịp Tết Âm lịch vừa qua. |
Gia đình của anh Nguyễn Văn Thắng có thâm niên làm vàng mã hơn 15 năm nay. Anh Thắng cho biết, thời điểm bận rộn nhất trong năm đã qua, đó là khoảng thời gian trước Tết ông Công ông Táo khoảng 1 tháng. Còn ngoài Tết thì chủ yếu phục vụ nhu cầu giải hạn. |
Anh Thắng cho biết thêm, năm nay lượng vàng mã sản xuất có chiều hướng giảm đi hơn so với mọi năm. Có lẽ do nhu cầu dùng đồ vàng mã tại Hà Nội không nhiều, người Hà Nội chủ yếu đốt tiền vàng mã nhỏ. Còn những mô hình vàng mã lớn như ngựa, voi, hình người, hình chúa... cỡ lớn thì được xuất đi các tỉnh, phục vụ các đền, phủ, miếu. |
Anh Thắng cũng cho biết thêm, nghề làm vàng mã tưởng chừng là nhàn hạ hơn so với các nghề khác nhưng thực tế thì không phải như vậy. Nghề này đòi hỏi độ tỉ mỉ, người thợ làm nghề phải thật chăm chút, khéo tay và kĩ lưỡng. Hơn hết cũng đòi hỏi tiến độ công việc, phải làm sao vừa nhanh lại vẫn đảm bảo được chất lượng. |
Theo khảo sát, giá cả của các mặt hàng đồ vàng mã rất phong phú. Cụ thể, giá một hình nhân bán ra khoảng 12.000 đồng, ngựa và voi có giá 200.000 đồng. |
Những hộ sản xuất đồ vàng mã cho biết, thu nhập được dựa trên số sản phẩm bán ra. Theo anh Thắng, nhờ sản xuất nghề vàng mã truyền thống mà nhiều gia đình trong làng đã thoát nghèo, có những gia đình nhiều thế hệ, đời này qua đời khác bám trụ cuộc sống với nghề sản xuất vàng mã. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ cũng sản xuất, cạnh tranh vì thế cũng khốc liệt hơn, chưa kể còn phải cạnh tranh với các làng nghề vàng mã khác. Vì thế, thu nhập của lao động từ làm vàng mã tuy có việc quanh năm nhưng cũng không quá cao như mọi người thường nghĩ. |
Theo nhiều người dân làng Phúc Am thì mỗi sản phẩm bán cho thương lái dịp này cũng lãi khoảng từ 3.000 đến 50.000 đồng tùy sản phẩm và chất liệu. |
Tuy nhiên, số lãi không phải lúc nào cũng cao, bởi lẽ một sản phẩm hàng mã hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại do một hộ khác đảm nhiệm chứ một hộ ít khi làm hoàn thiện từ đầu đến cuối. Ví dụ như gia đình này chỉ làm phần khung thô của ngựa mã trên rồi lại đem giao cho cơ sở khác để tiếp tục hoàn chỉnh. |
Anh Tùng (26 tuổi) đã có thâm niên 9 năm làm đồ hàng mã. Tùng là người kế nghiệp công việc truyền thống của gia đình. Anh Tùng cho biết, Nhiều năm nay, người làng Duyên Trường không chỉ dừng ở việc sản xuất tiền vàng, quần áo, ngựa, hình nhân… truyền thống, mà còn là các vật dụng cao cấp bằng giấy (ô tô, tivi, nhà tầng, siêu xe…) để phục vụ nhu cầu của khách hàng. |
Nhiều hộ gia đình làm vàng mã cho biết, vừa qua cũng đã biết thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyên mọi người hạn chế đốt vàng mã. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến công việc của người dân làng nghề vàng mã này. Bởi lẽ, theo nhiều hộ sản xuất việc đốt vàng mã này đã tồn tại quá lâu và ăn sâu vào suy nghĩ của người dân nên để thay đổi được không phải chuyện dễ dàng. |
Những ngày này, từng chuyến hàng mã liên tục chạy khắp làng để chuyển cho thương lái các tỉnh đổ về. |