Kêu gọi "bà mẹ xã hội" tham gia nâng cao tầm vóc Việt

Thành Chung |

Các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), doanh nhân đã cùng bày tỏ ý kiến về việc cần nhanh chóng đưa Chương trình Sữa học đường quốc gia vào cuộc sống.

"Sự đóng góp của các doanh nghiệp sữa lớn như TH True Milk là rất cần thiết"

Là người trong ngành y, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm rất nhiều đến thể trạng, tầm vóc người Việt. Chính vì vậy, bà rất mong mỏi Chương trình Sữa học đường vừa được Chính phủ phê duyệt tháng 7/2016 nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Kêu gọi bà mẹ xã hội tham gia nâng cao tầm vóc Việt - Ảnh 1.

Theo bà đây là Chương trình mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm, tầm nhìn của Đảng, Nhà nước đối với tầm vóc, sức khỏe của thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.

Bà Lan nhấn mạnh: Nhiều quốc gia châu Âu, Nhật Bản đã thực hiện thành công các Chương trình Sữa học đường, cải tạo đáng kể nòi giống.

"Ở nước ta, tại các đô thị lớn, trẻ nhỏ được chăm sóc đảm bảo khá tốt nhưng một số nơi do điều kiện, hoàn cảnh còn khó khăn nên việc triển khai Chương trình Sữa học đường để hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ là cách làm có thể áp dụng đại trà.

Với Chương trình Sữa học đường quốc gia cũng mở rộng độ bao phủ thay cho các chương trình nhỏ lẻ được thực hiện tại một vài tỉnh, thành.

Tôi tin chắc chắc với việc được uống sữa học đường và việc nâng cao, mở rộng các môn học ngoại khóa, rèn luyện sẽ giúp chúng ta thấy một thế hệ người Việt cao hơn, khỏe mạnh hơn", bà Lan nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, với điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn thì việc xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp sữa lớn như TH True Milk vào Chương trình là rất cần thiết.

"Dù còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp với tấm lòng và trái tim đã tham gia vào Chương trình Sữa học đường là điều rất đáng quý, cần được trân trọng, ghi nhận", bà Lan đánh giá.

Theo vị nữ ĐBQH của TP Hồ Chí Minh, ở nhiều nước, khi tham gia vào Chương trình có ý nghĩa xã hội, hay tham gia nghiên cứu khoa học…, doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế.

"Thời buổi kinh tế thị trường nếu bắt doanh nghiệp chịu lỗ cũng rất khó và họ sẽ không thể tồn tại được để làm lâu dài.

Vì thế, theo tôi, chúng ta nên có những chính sách ưu đãi thuế với các doanh nghiệp tham gia Chương trình Sữa học đường.

Các doanh nghiệp đã tham gia với tấm lòng thì chúng ta cũng nên điều chỉnh thêm về vật chất giúp đỡ để tạo ra công cụ hữu hiệu, động viên, khuyến khích họ cung cấp nhiều hơn các sản phẩm sữa tươi sạch cho trẻ em", bà Lan nói thêm.

Một vấn đề khác cũng được bà Lan đề cập, đó là hiện nay, giá rượu, bia, thuốc lá trong nước còn thấp hơn giá sữa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Chương trình.

"Nhiều bậc phụ huynh vì thấy giá sữa cao nên ngần ngại, trong khi giá thuốc lá, rượu bia thấp hơn nên họ sẵn sàng mua, sử dụng rồi gây ra nhiều tác hại, bệnh tật.

Do đó, muốn Chương trình Sữa học đường thành công thì chúng ta cũng cần có chính sách thuế phù hợp hơn…", bà Lan đề nghị.

Ngoài đề xuất về thuế, bà Lan kêu gọi: "Ai là cha mẹ thì cũng đều lo cho con mình nhưng qua Chương trình này, tôi mong quý vị hãy chú trọng hơn nữa để dành điều tốt đẹp nhất cho con mình và cho các bé thơ khác.

Cụ thể, những gia đình có điều kiện, nếu được hãy đóng góp, đỡ đầu thêm các hoàn cảnh khó khăn hơn để cho tất cả các em có được niềm vui, hạnh phúc thông qua các ly sữa ấm tình".

"Các bậc phụ huynh cũng cần tham gia tích cực"

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- ông Phạm Tất Thắng cũng đánh giá rất cao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường quốc gia.

Kêu gọi bà mẹ xã hội tham gia nâng cao tầm vóc Việt - Ảnh 2.

Theo ông Thắng, chúng ta đã có chiến lược nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt nhưng thời gian qua, do nguồn lực hạn chế nên chưa thực hiện được nhiều.

Ngay ở Vĩnh Long, nơi ông Thắng ứng cử đại biểu Quốc hội, người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cuộc sống còn khó khăn, "việc chăm lo, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng nâng tầm vóc cho con em cũng còn nhiều hạn chế".

"Với việc thực hiện Chương trình Sữa học đường quốc gia, bằng sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp sữa, nhà hảo tâm chắc chắn sẽ giúp trẻ em ở các vùng khó khăn, nông thôn không chỉ của Vĩnh Long mà các tỉnh trên cả nước có nguồn sữa tươi, sạch để sử dụng, cải thiện tầm vóc.

Chúng tôi mong rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng, góp sức của toàn xã hội sẽ giúp Chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả, lâu dài trên cả nước", ông Thắng nhìn nhận.

"Ngoài sự đóng góp của doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước thì tôi cho rằng, chính các bậc phụ huynh cũng cần tham gia tích cực, đóng góp vào Chương trình Sữa học đường quốc gia này vì tầm vóc, sức khỏe của con em mình.

Khi có được chủ trương đúng đắn, sự quyết tâm, nhất trí, bền vững thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được thành công và tầm vóc người Việt sẽ sớm sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới", ông Thắng nhấn mạnh.

Là lãnh đạo của đơn vị tiên phong trong Chương trình Sữa học đường, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH đánh giá: Việc phê duyệt Chương trình Sữa học đường chính là món quà của Đảng, nhà nước dành cho con trẻ.

Kêu gọi bà mẹ xã hội tham gia nâng cao tầm vóc Việt - Ảnh 3.

Theo bà Hương, để Chương trình thành công cần có đủ 2 nguồn lực: Nguồn lực sữa tươi học đường đạt chuẩn và nguồn lực tài chính.

"Về nguồn lực sữa tươi, tôi khẳng định chúng ta có đủ sữa cho 12 triệu trẻ mẫu giáo, tiểu học. Riêng về tài chính, cần có sự tham gia của Nhà nước và đặc biệt là các bà mẹ và bà mẹ xã hội – đó là cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm", bà Hương chia sẻ.

"Chúng ta mong muốn khi kỷ niệm 100 năm nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa vào năm 2045, Việt Nam sẽ ra khỏi danh sách những nước thấp còi, vì mục tiêu đó phải hành động từ ngày hôm nay" - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Cầu truyền hình trực tiếp "Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại