Kết thúc sự ấm lên ngắn ngủi giữa 2 miền: Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Triều Tiên

Đại sứ Vũ Huy Mừng |

Trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul, tình trạng gia tăng căng thẳng định kỳ xảy ra như cơm bữa, nhưng việc phá bỏ Văn phòng quan hệ hai miền là một sự kiện không bình thường.

Triều Tiên tăng cường năng lực pháo binh, tàu ngầm, tên lửa…

Tại Hội nghị mở rộng lần thứ 4 của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (5/2020), chủ đề tăng cường khả năng phòng thủ và ngăn chặn xung đột quân sự đã được thảo luận có tính đến các điều kiện chính trị khó khăn ở bên trong và bên ngoài, theo đó đã đưa ra chính sách về tăng cường hơn nữa tiềm năng răn đe hạt nhân và đưa lực lượng chiến lược của Triều Tiên vào tình trạng báo động cao. Đáng chú ý là một mục riêng trong chương trình nghị sự của cuộc họp là bàn về việc tăng cường hỏa lực của pháo binh. Điều đó cho thấy, Bình Nhưỡng tiếp tục chuẩn bị cho các kịch bản về sự mất ổn định có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Kết thúc sự ấm lên ngắn ngủi giữa 2 miền: Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên - Ảnh 2.

Việc tăng cường các lực lượng răn đe chiến lược được thể hiện qua các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn từ tháng 5/2019. Theo các nhà quan sát Hàn Quốc, Triều Tiên đang chú trọng phát triển các loại tàu ngầm mới, tên lửa đạn đạo cho tàu ngầm và thậm chí quay lại thử tên lửa tầm trung và tầm xa.

Hội nghị Quân ủy và các biện pháp nêu trên được triển khai trong bối cảnh đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng đóng băng và triển vọng nối lại vô cùng mơ hồ.

Quan hệ liên Triều cũng không có gì chắc chắn. Triều Tiên chỉ trích gay gắt chính sách mới của Seoul, cho rằng Hàn Quốc vẫn chưa thoát khỏi quá khứ, tiếp tục duy trì đối đầu và gây áp lực với họ.

Một trong những ấn phẩm của cổng thông tin Ariran Meari nhắm vào Hàn Quốc, thậm chí tuyên bố: "Chính quyền Hàn Quốc càng mạnh tay, tình hình sẽ càng khó khăn hơn trong quan hệ liên Triều." Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn không có dấu hiệu tốt trong việc tăng cường an ninh khu vực.

Các biện pháp khôi phục quá trình đàm phán trong năm 2018 - nửa đầu năm 2019 gần như đã cạn kiệt. Sau khi các cuộc tham vấn Mỹ - Triều ở Stockholm vào cuối năm ngoái thất bại, nhiều ý kiến trong giới ngoại giao và chuyên gia cho rằng đang có một số khó khăn khách quan cản trở việc thực hiện các thỏa thuận cũ và tìm kiếm các thỏa thuận mới.

Kết thúc sự ấm lên ngắn ngủi giữa 2 miền: Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên - Ảnh 3.

Một số tuyên bố được đưa ra bởi các đại diện của cơ quan đối ngoại của Triều Tiên vào đầu năm 2020 cho thấy Bình Nhưỡng không còn muốn giao dịch với Washington dưới chính quyền Trump, thậm chí còn nêu điều kiện chính để quay lại đối thoại là Nhà Trắng phải thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại mà trọng tâm là nguyên tắc hành động không thù địch. Trước áp lực bên ngoài liên tục và không có các bước đối ứng, Triều Tiên rõ ràng không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ của họ.

Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra về một giải pháp chính trị trong tương lai cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Hiện tại, khuôn khổ mà các bên sẵn sàng cho các sáng kiến ​​hòa bình và thậm chí cho một số nhượng bộ nhất định đã được thay thế bằng thái độ mong đợi của họ.

Cuối cùng, sớm hay muộn, những người tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân Bán đảo Triều Tiên sẽ phải đưa ra lựa chọn giữa căng thẳng leo thang và trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, rõ ràng là trong những trường hợp như vậy, các cuộc nói chuyện về phi hạt nhân hóa, và rộng hơn là sự ổn định khu vực, sẽ vẫn chỉ là những mong muốn tốt đẹp, được giao thoa yếu ớt với các điều kiện chính trị hiện nay.

… Cắt tất cả các kênh liên lạc hai miền và tuyên bố đưa quân trở lại DMZ

Tuyên bố của Triều Tiên về việc đóng cửa đơn phương tất cả các kênh liên lạc được thiết lập giữa Bình Nhưỡng và Seoul cho thấy một cuộc khủng hoảng đang hiện hữu trong quan hệ hai miền. Dấu hiệu ban đầu được thể hiện vào năm 2018 ngay cả khi hai bên triển khai các kế hoạch hợp tác, Triều Tiên đã tỏ ra thất vọng trong đối thoại với Hàn Quốc.

Kết thúc sự ấm lên ngắn ngủi giữa 2 miền: Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên - Ảnh 5.

Sự phát triển hợp tác giữa hai miền Triều Tiên đã bị dừng lại do không có tiến triển trong đối thoại Mỹ - Triều. Seoul có lẽ đã dự đoán rằng tốc độ ban đầu trong việc phát triển mối liên hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt chống lại sau này và điều này sẽ tạo điều kiện cho việc khôi phục đối thoại liên Triều. Tuy nhiên, kết quả các cuộc gặp cấp cao Mỹ -Triều rõ ràng đi ngược kỳ vọng.

Hàn Quốc đã rất cố gắng tìm cách thoát khỏi tình trạng này. Cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên dựa trên các sự kiện mang tính biểu tượng: Hội nghị thượng đỉnh, trao đổi đoàn, sự kiện văn hóa và ký kết tuyên bố. Tuy nhiên, tiềm năng của các biện pháp này rất hạn chế, quan hệ liên Triều thiếu hai trụ cột cơ bản là hợp tác kinh tế và một hiệp ước song phương về quan hệ giữa hai nước.

Cho đến nay, Bình Nhưỡng không hài lòng vì Seoul không tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết. Đặc biệt, không có sự thay đổi trong hợp tác kinh tế. Triều Tiên cũng chỉ trích việc Hàn Quốc không có đường lối độc lập trong cuộc xung đột lợi ích giữa họ và Mỹ.

Việc Triều Tiên phá bỏ Văn phòng quan hệ liên Triều tại Keasong đã kết thúc một sự ấm lên ngắn ngủi trong quan hệ giữa hai miền.

Kết thúc sự ấm lên ngắn ngủi giữa 2 miền: Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên - Ảnh 6.

Trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul, tình trạng gia tăng căng thẳng định kỳ xảy ra như cơm bữa, nhưng việc phá bỏ Văn phòng quan hệ hai miền là một sự kiện không bình thường. Hiện tại, Bình Nhưỡng đang tiến tới việc hủy bỏ một số thỏa thuận song phương đã được ký kết trước đây. Triều Tiên đã tuyên bố đóng cửa các kênh liên lạc liên Triều và trung tâm liên lạc chung ở Keasong, một trong những thành tựu quan trọng của sự hợp tác hai miền. Trong tương lai, có thể Bình Nhưỡng sẽ chối bỏ thỏa thuận quân sự được ký kết năm 2018 tại hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng giữa Kim Jong-un và Moon Jae-in với việc đại diện Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên mới đây tuyên bố quân đội của họ có thể được đưa trở lại khu phi quân sự (DMZ).

Việc rải truyền đơn của người Triều Tiên đào tẩu chống chính phủ chỉ là cái cớ cho phản ứng như trên của Bình Nhưỡng. Thực chất họ muốn gây áp lực đối với Hàn Quốc.

Ngay từ năm 2019, Bình Nhưỡng đã tuyên bố họ chưa sẵn sàng duy trì quan hệ liên Triều theo định dạng như vậy. Hơn nữa, phạm vi xoay sở cho hai bên thực sự rất hạn chế, hợp tác kinh tế toàn diện hai miền không thể thực hiện trong điều kiện các biện pháp trừng phạt quốc tế của Liên Hợp Quốc chưa được gỡ bỏ. Dường như như Seoul đã vội vàng khi công bố các biện pháp khôi phục hợp tác kinh tế liên Triều vào tháng 9/2018. Các tuyên bố và hành động hiện tại của lãnh đạo Triều Tiên rõ ràng cho thấy họ không còn cần phát triển quan hệ liên Triều trong hoàn cảnh hiện tại. Đồng thời, trong một thời gian dài, phương tiện truyền thông Triều Tiên tăng cường chỉ trích chính quyền Hàn Quốc, đặc biệt đối với cá nhân ông Moon Jae-in.

Em gái ông Kim Jong-un có quyền lực bí ẩn?

Hiện dư luận đang chú ý về sáng kiến ​​phá bỏ văn phòng quan hệ liên Triều của Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un. Tuy có vị trí trong Trung ương Đảng lao động Triều Tiên, nhưng vai trò của Kim Yo-jong không hoàn toàn rõ ràng. Trước sự vắng mặt bí ẩn của Kim Jong-un trước công chúng, một số nhà quan sát coi Kim Yo-jong gần như là một người kế thừa tiềm năng.

Dư luận quan tâm ​​sự phát triển nhanh chóng trong sự nghiệp chính trị của Kim Yo-jong, nhưng không rõ quá trình này sẽ tiến xa hơn bao nhiêu. Ngoài ra, không có sự chắc chắn hoàn toàn về việc Kim Yo-jong có thực sự giám sát các mối quan hệ liên Triều hay thực sự ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định chính trị ở Triều Tiên. Do tính chất khép kín của nước này, thế giới có rất ít thông tin về thực trạng nội bộ chính trị Triều Tiên hiện tại. Do vậy, còn khá sớm để có thể nói rằng, Kim Yo-jong đã được trao bất kỳ quyền lực "phi thường" nào.

Kết thúc sự ấm lên ngắn ngủi giữa 2 miền: Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên - Ảnh 8.

Về hậu quả chính trị, các sự kiện hiện tại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cục diện chung trên Bán đảo Triều Tiên và quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Kết thúc sự ấm lên ngắn ngủi giữa 2 miền: Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên - Ảnh 9.

Việc Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển vũ khí chiến lược thể hiện sự thừa nhận của Bình Nhưỡng về quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Bán đảo Triều Tiên đã bị ngưng trệ. Ngoài ra, việc Bình Nhưỡng quyết định cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc với Seoul cũng như đưa quân đội đến khu phi quân sự sẽ làm cho quan hệ hai bên thêm căng thẳng phức tạp.

Nhìn chung, tình hình còn khó dự đoán và tất cả phụ thuộc vào các yếu tố không chắc chắn như tình hình kinh tế, chiến tranh thương mại và trên thực tế, chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Mỹ sắp tới sẽ phát triển tới đâu.

Hiện tại, sự gián đoạn liên hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ là tạm thời. Trong tương lai, hoàn toàn có khả năng hai bên sẽ nối lại các cuộc gặp, đặc biệt là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không muốn làm trầm trọng thêm và sẽ phải có bước đi thích hợp để làm dịu tình hình, còn Bình Nhưỡng cũng phải tính đến tình huống khó khăn của Moon Jae-in.

Như vậy, đường tương tác hai bên sẽ được nối lại. Mặc dù Bình Nhưỡng không nói ra, nhưng họ hy vọng rằng sau đó, tình hình sẽ trở lại bình thường và quan hệ hai miền sẽ tiếp tục.

* Tít chính và các tít phụ do tòa soạn đặt lại.

Đại sứ Vũ Huy Mừng là nguyên Tổng lãnh sự tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka, Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại