Chen chân vào "mỏ vàng đen"
Trung Quốc, nhà tiêu dùng dầu thô lớn thứ hai thế giới, đã tăng cường đầu tư vào Trung Đông, "mỏ vàng đen" của thế giới, với cam kết cho vay 23 tỉ USD cùng hàng triệu USD viện trợ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn muốn đàm phán về các khu vực thương mại tự do và thúc đẩy hình mẫu đầu tư "dầu và khí" với các nước Ả Rập. Ông tin rằng đây là một hình mẫu có thể tạo ra việc làm và giúp Trung Quốc đảm bảo được yêu cầu về năng lượng trong tương lai.
Phát biểu trong Diễn đàn Hợp tác các nước Ả Rập - Trung Quốc (CASCF), sự kiện với sự góp mặt của đại diện từ 21 quốc gia Ả Rập, ông Tập nói rằng: Trung Quốc muốn thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược để trở thành "người giữ hòa bình, ổn định ở Trung Đông và những bằng hữu tốt có thể học hỏi lẫn nhau".
Trung Đông đóng một vai trò quan trọng trong sáng kiến Vành đai - Con đường trị giá hàng tỉ USD, một siêu dự án nhằm kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua một tuyến thương mại hiện đại của Trung Quốc.
Các nước Trung Đông hiện cung cấp hơn nửa số lượng dầu thô nhập khẩu cho Trung Quốc và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực này. Mục tiêu của Bắc Kinh là tăng gấp đôi giá trị thương mại lên 600 tỉ USD tính đến năm 2020.
Vậy đằng sau động thái kinh tế đầy hấp dẫn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Đông là gì?
Câu chuyện "thời điểm"
"Đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn lực cho tương lai", Reuben Mondejar, chuyên gia thuộc trường Kinh tế IESE, Đại học Navarra, Barcelona cho hay.
"Dầu rất quan trọng; đối với Trung Quốc các nguồn năng lượng sẽ ngày càng quan trọng hơn trong vòng 10, 20, 30 năm tới. Họ đã đầu tư vào những khu vực như châu Phi và Nam Mỹ cho những nguồn tài nguyên khác. Nhưng với dầu khí, Trung Đông là khu vực cơ bản và nền tảng mà họ đang sử dụng hiện nay là Vành đai - Con đường".
Ông Mondejar tin rằng đây là câu chuyện về "thời điểm".
"Do tình hình hiện nay với chiến tranh thương mại và tất cả những thứ như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cô lập nên Trung Quốc cần bạn bè. Và đây là thời điểm thích hợp để kết bạn bằng cách công bố khoản đầu tư hào phóng 23 tỉ USD".
Tuy nhiên, theo ông Mondejar, quan hệ đối tác kinh tế với "Trung Đông tiềm ẩn nhiều vấn đề hơn, so với Nam Mỹ chẳng hạn. Trung Đông có thể coi là nơi bất ổn nhất của thế giới ở thời điểm này, nên Trung Quốc đang chen chân vào một khu vực rất khó nhằn".
Giáo sư Vladimir Kolotov thuộc Đại học Quốc gia Saint Peterburg, tin rằng Trung Quốc đã bắt đầu một "ván cờ lớn" ở Trung Đông.
"[Bắc Kinh] đề xuất [các nước Ả Rập] tham gia vào dự án Vành đai - Con đường khổng lồ của mình", Kolotov nói, "Thế giới Ả Rập đã được đề nghị: Tiếp tục tranh đấu và sụp đổ, điều Mỹ đang tìm cách đạt được, hoặc tham gia vào các dự án quốc tế nhằm đảm bảo phát triển và tăng trưởng".
Giáo sư Kolotov nhấn mạnh rằng, Trung Quốc vẫn đang là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2017, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về GDP.
"Vì thế, một cuộc chiến tranh kinh tế lớn đang bùng phát giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Kolotov nhận định.
"Bắc Kinh hiểu rằng [đối thủ của mình] sẽ tìm cách cản trở, vì thế nước này đã có các biện pháp phòng bị nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc đang tìm kiếm đồng minh và sẵn sàng trả tiền cho họ. Để làm được điều đó, nhiều đề xuất và dự án đang được đưa ra để thiết lập quan hệ chiến lược và hợp tác".
Học giả người Nga chỉ ra rằng, phần lớn dầu sản xuất ở Trung Đông được chuyển tới Đông Á, vì thế, Trung Quốc cần đảm bảo sự ổn định trong khu vực này và sẽ tìm cách làm được điều đó.