Trên chuyên trang thống kê bóng đá quốc tế Teamform, giải vô địch quốc gia Thái Lan - Thai League, đang được xếp ở vị trí thứ 17 ở khu vực châu Á. Trong khi đó, V.League của Việt Nam nằm "ổn định" ở vị trí thứ 34. Đây là vị trí khá thấp dành cho giải vô địch quốc gia Việt Nam, dưới cả giải hạng 3 của cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, nhưng đáng ngạc nhiên nhất là V.League bị xếp dưới cả Thai League 2 đến 3 bậc.
Việc V.League không được đánh giá cao, thậm chí bị đánh giá thấp hơn nhiều so với Thai League là điều không cần phải bàn cãi. Trong khi giải vô địch quốc gia Thái Lan từ nhiều năm nay đã luôn nằm ở đẳng cấp khác ở khu vực Đông Nam Á, thì V.League vẫn đang loay hoay với tiến trình "chuyên nghiệp hóa", và vẫn chưa "đi đến đầu" nếu nhìn thẳng vào thực trạng hiện tại. Thậm chí là ngày càng sa sút.
Cứ nhìn vào cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam 2023 thì rõ. Chưa có cuộc bầu chọn nào đúng với hình ảnh "so bó đũa chọn cột cờ" như lần này. Trong khi đội bóng vô địch V.League "im tiếng" hoàn toàn ở những hạng mục cao nhất, thì cái tên được xướng lên ở bục vinh quang lại đầy sự tranh cãi khi bị loại khỏi đội tuyển quốc gia và có phong độ rất đỗi phập phù.
Có quá nhiều điều để nói khi đề cập đến V.League, từ tình trạng sân bãi, sự chuyên nghiệp của BTC, cầu thủ, cho đến bạo lực, trọng tài... song vấn nạn nặng nề nhất đang tồn tại ở giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam chính là căn bệnh thành tích, khiến sự thiệt thòi cho HLV Troussier, cho đội tuyển quốc gia ngày càng được bộc lộ rõ rệt.
Còn tròn một tháng nữa là đội tuyển Việt Nam sẽ chạm mặt Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á. Ở lần chạm trán cuối cùng thuộc Asian Cup 2023 vừa qua, thầy trò HLV Troussier đã phải nhận thất bại muối mặt, để rồi rời giải đấu với kỷ lục buồn - 0 điểm sau 3 trận vòng bảng. Trong khi đó ở vòng đấu vừa qua khi V.League 2023/24 trở lại, hầu hết các tuyển thủ Việt Nam trở về thi đấu cho CLB đều thi đấu khá tệ.
Tại vòng 9 V.League vừa qua, có tổng cộng 13 bàn thắng được ghi sau 7 trận đấu, trong đó không có bất kỳ bàn thắng nào đến từ các chân sút thuộc biên chế đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier. Trong khi Tiến Linh chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, Đình Bắc vẫn chưa thể ra sân cũng vì chấn thương, thì Văn Toàn, Văn Trường, Tuấn Hải... chỉ đang chơi ở mức tròn vai. Còn Tuấn Anh - "trò cưng" của ông thầy người Pháp, tiếp tục thất bại cùng các đồng đội ở HAGL, xây chắc ngôi bét bảng.
Triết ký bóng đá và sự dũng cảm đến mức hơi cố chấp của HLV Troussier với đội tuyển Việt Nam cũng là điều đáng bàn khi phân tích về hướng đi đúng cho bóng đá Việt Nam. Sự thực dụng của các CLB Việt Nam ở sân chơi V.League cũng là điều đáng nói. Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa còn nằm ở chính người tiền nhiệm của ông thầy người Pháp - HLV Park Hang-seo.
Với câu nói nổi tiếng: "Người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng chỉ yêu thứ bóng đá chiến thắng mà thôi", nhà cầm quân người Hàn Quốc đã triệt để tận dụng mọi cơ hội có được để "xây tháp thành tích" cho mình, cũng như cho bóng đá Việt Nam, điển hình nhất là hai chức vô địch SEA Games.
Trong khi Thái Lan dành hoàn toàn đấu trường SEA Games làm sân chơi cho các cầu thủ trẻ, HLV HLV Park Hang-seo không ngần ngại dùng tối đa "quyền ưu tiên" có được để đưa các trụ cột hàng đầu của đội tuyển quốc gia "thử lửa" tại đây. Hệ lụy là sau những thành tích "lẫy lừng" mà ông thầy người Hàn Quốc đem về cho bóng đá Việt Nam, lứa cầu thủ trẻ mất đi cơ hội được thể hiện mình để tích lũy kinh nghiệm.
Cũng theo Teamform, đội tuyển quốc gia Việt Nam hiện đang xếp thứ 20 châu Á, dưới Thái Lan 5 bậc. So với bảng xếp hạng FIFA, thứ tự này có vẻ chính xác hơi với những gì đang diễn ra hiện tại ở hai nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á. Chỉ có điều với 8,5 suất dự World Cup 2026 của châu Á, liệu HLV Troussier có thể mơ mộng gì khi "chẳng có bột" để có thể "gột nên hồ"?