Kể về Chủ tịch Quốc hội không có nhà riêng

Trần Nguyên Anh |

Cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người giữ chức Chủ tịch Quốc hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, là một trong những biểu tượng của lòng đoàn kết, lòng yêu nước. Con trai của cố luật sư nói: “Cả đời ba tôi phụng sự nhân dân và đất nước, đến lúc qua đời tài sản không để lại gì, kể cả một căn nhà cho gia đình nhỏ của mình cũng không có”.

“Lớn lên con sẽ hiểu”

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trong một gia đình công chức trung lưu. Năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ đã được gia đình gửi sang Pháp học. Năm 1932, Nguyễn Hữu Thọ tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận bằng Cử nhân Luật tại Pháp và sau đó, tháng 5/1933, Nguyễn Hữu Thọ rời thành phố Marseille trở lại Sài Gòn.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mở Văn phòng Luật đầu tiên tại Mỹ Tho, sau đó mở thêm văn phòng tại Vĩnh Long, Cần Thơ. Theo đánh giá thì “Ở tuổi 30, với tài năng và sự chính trực bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nổi tiếng khắp Nam Kỳ”.

Văn phòng luật sư của ông là nơi gặp gỡ, hội tụ của trí thức yêu nước, đặc biệt là sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Khi Pháp quay lại muốn xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 19/5/1947, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã vận động hàng trăm trí thức nổi tiếng tại miền Nam ký tên vào Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn, yêu cầu chính phủ Pháp thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để sớm chấm dứt chiến tranh. Tuyên ngôn này được đăng trên nhiều báo chí trong nước và báo Pháp gây tiếng vang lớn. Tại Việt Bắc, ngày 25/5/1947, Bác Hồ đã viết thư cảm ơn: “Tôi thay mặt Chính phủ cám ơn sự ủng hộ của các bạn… Anh em văn hóa và trí thức phải làm như những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

Kể về Chủ tịch Quốc hội không có nhà riêng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Châu và chiếc bi đông của cha mình.

Ngày 12/1/1950, tại tang lễ Trần Văn Ơn - học sinh trường Petrus Ký bị thực dân Pháp bắn trọng thương qua đời khi đi biểu tình, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc điếu văn trước nửa triệu người là sinh viên, tri thức, thợ thuyền, người lao động. Ông đặt câu hỏi: “Như thế này thì nhân dân ta đã có độc lập và tự do chưa?”. Hàng vạn tiếng hô: “Chưa! Chưa! Chưa!”.

Ngày 16/3/1950, nhân sự kiện Mỹ đưa hai tàu chiến cập cảng Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã phát biểu tại cuộc mít tinh khổng lồ, phản đối Mỹ can thiệp vào nước ta. Sự kiện này được xem là dấu mốc đầu tiên trong hành trình chống Mỹ xâm lược Việt Nam và cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến ông bị chính quyền tay sai bù nhìn bắt giam.

Ông Nguyễn Hữu Châu, con trai cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ bùi ngùi nhớ lại: “Tôi thương ba tôi, vì cuộc đời ba tôi là một trí thức, một luật sư mà nhiều năm chịu tù đày, bị đánh đập suýt chết. Tôi sẽ không bao giờ quên ấn tượng của một đứa trẻ mười tuổi mà chỉ mong đến ngày để vào nhà tù thăm ba”.

Ông Nguyễn Hữu Châu kể: “Tuổi thơ của tôi thật ngắn ngủi, năm 8-9 tuổi ở với ba tại văn phòng luật thuê mượn, nơi các nhà cách mạng như Nguyễn Thị Bình, bà Đỗ Duy Liên thường qua làm việc. Ông cụ dậy sớm, đi mua đồ ăn sáng cho gia đình, rồi chở tôi đi học. Rồi ba tôi bị bắt, bị tù đày liên miên hết miền Nam ra miền Bắc rồi về miền Trung. Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, còn chưa biết gì. Thăm ba ở tù, tôi trách: “Ba cứ đi tù hoài!”, ba nói: “Sau con lớn, con sẽ hiểu cho ba”.

Tưởng chết trong tù

Ông Nguyễn Hữu Châu kể: “Một lần gia đình chúng tôi đi xe đò xuống thăm ba bị giam ở Phú Yên. Nó đánh ông tưởng chết. Đánh hộc máu, do ông không chịu chào cờ địch, ông lại còn chào cái sào phơi quần áo! May nhờ có bác sĩ giỏi cứu sống. Chúng tôi nhận điện, nghe nói ông bị bệnh nặng ra Củng Sơn đưa về, tưởng ông đã qua đời vì anh em khác đấu tranh đã bị đánh chết rồi. Trên chuyến xe chở ông về Tuy Hòa chữa bệnh, ba ngồi trên võng da bọc xương, tôi ngồi bên cạnh. Tôi thương ba nhưng không biết nói ra thế nào. Tới Tuy Hòa, tổ chức có mua cái radio cho ông nghe, ông lạc quan lắm. Ông chỉ biết làm việc có lợi cho dân thôi”.

Theo tài liệu của Ban tuyên giáo TPHCM thì: “Năm 1960 trên toàn miền Nam, đặc biệt là ở Nam bộ nổ ra phong trào Đồng Khởi, là điều kiện chín muồi để cách mạng miền Nam thành lập mặt trận, tập hợp các lực lượng thành một lực lượng chung để chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lúc này, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị lưu đày nơi rừng thiêng nước độc, cho nên cần giải thoát ngay luật sư về với cách mạng. Ngày 10/9/1960, lần giải thoát thứ nhất cho luật sư bất thành vì cơ sở đi đón luật sư bị bắt. Ngày 19/6/1961, ta tổ chức vũ trang tấn công quận lỵ Củng Sơn để đón luật sư nhưng không thành vì địch đã đưa ông về thị xã Tuy Hòa. Phải đến ngày 30/10/1961, lần giải thoát thứ ba, mới đón được luật sư từ Phú Yên về căn cứ Bắc Tây Ninh”.

Kể về Chủ tịch Quốc hội không có nhà riêng - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các chiến sĩ Giải phóng quân. Ảnh: Tư liệu

“Sau khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giải thoát, từ ngày 16/2 đến ngày 3/3/1962, tại căn cứ Kà Tum - Tây Ninh, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) đã được tiến hành và bầu ông làm Chủ tịch Mặt trận, thông qua Báo cáo chính trị và công bố Chương trình hành động bổ sung của Mặt trận. Từ đây cho đến khi thống nhất đất nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam liên tục trong 15 năm” (Tài liệu đã dẫn).

Kể về Chủ tịch Quốc hội không có nhà riêng - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn chào mừng chiến thắng, thống nhất đất nước tại lễ mít tinh ngày 15/5/1975 tại Dinh Độc Lập. Ảnh: Tư liệu

Ông Nguyễn Hữu Châu kể: “Chúng tôi đọc báo mới biết ba tôi đã được giải thoát và làm Chủ tịch MTDTGPMNVN. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa sự an nguy của chúng tôi trong nội thành bị đe dọa. Năm 1962, tôi bắt được liên lạc của cách mạng và ra chiến khu làm phát thanh viên của đài phát thanh, làm công tác Đoàn. Trong khi má tôi bị bệnh thì vẫn ở trong ngôi nhà mướn chỉ rộng 20m2, hai em gái là Trân và Thủy thì tìm cách sang Pháp để tránh sự đàn áp của kẻ thù”.

Đời cách mạng đẹp lắm

Từ một thanh niên trí thức nội thành giỏi cả tiếng Anh tiếng Pháp, anh Nguyễn Hữu Châu dấn thân vào con đường kháng chiến và cũng là để tìm gặp lại cha mình sau nhiều năm xa cách.

“Tôi ra Củ Chi, tham gia chống càn, chiến đấu, tải đạn, suýt chết mấy lần do bị B52 rải thảm. Đến khi vào tới Trung ương Cục, được tổ chức cho gặp ba một tuần. Ba tôi dặn: Con lo hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên giao nhiệm vụ gì thì cố gắng làm thật tốt”.

Kể về Chủ tịch Quốc hội không có nhà riêng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hữu Châu và cuốn sách về luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ông Nguyễn Hữu Châu nói: “Tên ba tôi được đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học. Thỉnh thoảng mọi người lại mời tôi nói chuyện với các bạn trẻ về sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Tôi thường nói rằng, ba tôi phân tích: “Chúng ta chiến thắng các nước đế quốc là nhờ tính chính nghĩa. Chúng ta yêu nước, chống xâm lược, chính nghĩa đã thắng phi nghĩa”.

Anh vào gặp cha mình vào lúc địch tung 45.000 quân bao vây càn quét Trung ương Cục với tuyên bố: “Sẽ đưa Nguyễn Hữu Thọ về lại Sài Gòn”.

Anh Châu nhận xét: “Tôi còn khá trẻ, nhưng quan sát tôi thấy ba tôi là người lãnh đạo cao nhất, nhưng ăn uống sinh hoạt như mọi người khác, có chăng chỉ nhỉnh hơn chỗ thỉnh thoảng ba có chút cà phê uống buổi sáng để tỉnh táo viết lách. Có lẽ cà phê mua từ Campuchia. Trong khi đó thì lính Mỹ đi trận mà tắm bằng nước sạch đem từ Philippines qua, đến đâu thì đem cả gái theo để giải trí. Tôi nghĩ rằng, Mỹ dù nhiều vũ khí tối tân hiện đại cũng không bao giờ có thể chiến thắng được chúng tôi, dù chúng tôi chỉ có võng dù, cơm vắt”.

Anh Châu nhận xét: “Khi vào chiến khu, tôi mới thấy cha tôi cũng đi tải gạo như mọi người. Cách mạng đẹp lắm! Ai cũng như ai”.

Năm 1969, Bác Hồ qua đời. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu Đoàn đại biểu của MTDTGPMNVN và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Hà Nội viếng Bác Hồ.

Anh Nguyễn Hữu Châu cho biết: “Sau tôi ra Bắc, nghe nói lại rằng, ông Vũ Kỳ kể: “Lúc Bác Hồ gần mất, còn hỏi thư ký Vũ Kỳ: Chú Thọ trong Nam đã ra chưa?”.

Đôi nhẫn cưới làm quà cho con

Ông Nguyễn Hữu Châu cho biết: “Cả cuộc đời cha tôi không biết vun vén gì cho cá nhân mình. Tôi nhớ khi cha tôi ra Hà Nội làm việc, năm 1972 nghe tin tôi cưới vợ trong chiến khu, ông gửi món quà cưới là một cặp nhẫn, có thế thôi. Đám cưới của chúng tôi thật ra cũng chẳng có gì, chỉ tuyên bố, rồi mọi người ăn đậu phộng, uống trà. Cơ quan cho nghỉ mấy ngày để hai vợ chồng tự đào hầm làm nhà ở”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng và Nhà nước ta tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương, huy chương cao quý; Nhà nước Liên Xô tặng giải thưởng quốc tế mang tên Lênin và Huân chương Hữu nghị; Nhà nước Cuba tặng Huân chương Đoàn kết chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng giải thưởng Dimitrov, Hội đồng hòa bình thế giới tặng Huân chương Jolio Cunie.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI diễn ra từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần, ngày 5/4/1980, ông được Quốc hội cử giữ chức quyền Chủ tịch nước. Trên cương vị quyền Chủ tịch nước, ngày 19/12/1980, trước sự chứng kiến của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại Phủ Chủ tịch, luật sư ký lệnh công bố Hiến pháp 1980.

Ngày 4/7/1981, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Châu kể: “Ngày 24/12/1996, ba tôi qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi. Ba tôi qua đời 6 năm, các cơ quan chức năng mới sực nhớ ra ba tôi chưa từng được cấp nhà, chỉ ở nhà công vụ. Khi ấy, các cơ quan hữu quan mới làm thủ tục cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà, để gia đình chúng tôi làm một nơi tưởng niệm và hương khói cho ba tôi”.

Hàng ngày, ông Nguyễn Hữu Châu đều hương khói và chăm nom nhà tưởng niệm trưng bày nhiều hình ảnh tài liệu về cha mình - người luật sư đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại