Ý tưởng robot có thể tự học và tự vận hành theo ý muốn mà không cần đến bàn tay của con người vốn chỉ xuất hiện trong các mẩu truyện viễn tưởng, hoặc phim hành động của Hollywood.
Thế nhưng, các khoa học gia giờ đây đang dần đưa ý tưởng này thành hiện thực, khi tạo ra một "bộ não" nhân tạo, có khả năng học hỏi tự động.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu quốc tế do các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đã tạo ra một hệ thống thần kinh nhân tạo - được gọi là synapse. Hệ thống synapse sẽ thay đổi thành phần theo tín hiệu được kích hoạt, giống như não bộ của con người vậy.
Nhưng khi sử dụng với tần suất lớn, hệ thống có thể tự động thích nghi, giảm thiểu điện trở để giúp các tín hiệu phát đi nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Quan trọng hơn, các chuyên gia có thể nhìn ra "mô hình học hỏi", qua đó dự đoán được cách chúng phản ứng với các tín hiệu phát ra - điều chưa từng có trong các nghiên cứu tương tự trước kia.
Vậy nên, đây có thể nói là một bước tiến rất lớn, khi con người sẽ có khả năng tạo ra robot với khả năng học hỏi tương tự con người.
"Ở não bộ, quá trình "học" diễn ra khi hệ thống thần kinh tự điều chỉnh mức độ mạnh yếu của tín hiệu từ các neuron. Sự phân bổ này là nền tảng để hình thành nên ký ức" - nhóm chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, quá trình học hỏi này vẫn đang tốn quá nhiều năng lượng, và các chuyên gia sẽ còn phải thực hiện nhiều nghiên cứu xa hơn trong tương lai để hoàn thiện chúng.
Nguồn: Daily Mail