Kế hoạch bí mật cất giấu tài liệu của người Mỹ sau trận Trân Châu Cảng

Mỹ Huyền |

Vài ngày sau trận Trân Châu Cảng, một đoàn tàu rời Washington DC trong đêm, mang theo những kiện hàng quý giá nhất từng được vận chuyển trong lịch sử nước Mỹ.

Đây là câu chuyện về kế hoạch cất giữ Hiến Pháp, Tuyên ngôn độc lập và những kho báu khác của người Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Chưa đầy ba tuần sau khi không quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, chính thức kéo Mỹ vào Chiến tranh Thế giới thứ hai, thủ đô của nước Mỹ bước vào tình trạng chuẩn bị chiến tranh.

Quân đội đi tuần trên đường phố và pháo phòng không xuất hiện trên nóc các tòa nhà chính phủ. Dưới sự chỉ đạo của Trưởng mật vụ Frank Wilson, Nhà Trắng được lắp đặt cửa chớp và ngụy trang trên mái nhà.

Kế hoạch bí mật cất giấu tài liệu của người Mỹ sau trận Trân Châu Cảng - Ảnh 1.

Một chiến lũy bằng đất xuất hiện gần Đài tưởng niệm Washington, đó là kết quả của việc đào một đường hầm thoát hiểm dài gần 232 m từ Nhà Trắng đến Bộ Ngân khố Mỹ. Mặt nạ phòng độc treo sẵn trên chiếc xe lăn của tổng thống Franklin D. Roosevelt, chờ đợi để được đeo bất cứ lúc nào.

Bí mật tài liệu quý - "Linh hồn" của nước Mỹ

Ngày 26/12/1941, một buổi tối căng thẳng khác ở Washington DC, các mật vụ đột nhiên giải tán đám đông trong khuôn viên Nhà ga Liên bang để hộ tống bốn vali bọc đồng lên một chuyến tàu đặc biệt tới Louisville. Bên trong những kiện hàng này là "linh hồn" của nước Mỹ.

Những văn kiện trong bốn vali được chia theo nội dung.

Ba vali chứa Diễn văn Gettyburgs, Diễn văn nhậm chức lần hai của Lincoln, Điều lệ Liên bang, ba tập của Kinh thánh Gutemberg và bản sao của Đại Hiến chương – một văn kiện thời Trung cổ, được giao cho Thư viện Quốc hội lưu giữ sau khi triển lãm ở Hội chợ thế giới năm 1939.

Vali thứ tư chứa tài liệu quý giá nhất – bản gốc bằng giấy da của Hiến pháp và Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Khi đoàn tàu rời ga, những văn kiện lịch sử biến mất vào màn đêm, hướng đến địa điểm cất giấu bí mật cách đó gần 1000 cây số.

Kế hoạch bí mật cất giấu tài liệu của người Mỹ sau trận Trân Châu Cảng - Ảnh 2.

Kế hoạch bảo vệ những tài liệu quý giá nhất nước Mỹ được nhen nhóm từ trước đó 14 tháng, khi chiến tranh lan rộng ở châu Âu mùa thu năm 1940.

Trên khắp lục địa già, quân đội Đức Quốc xã đã phá hủy hàng triệu cuốn sách và bản thảo. Trong trận không kích Luân Đôn, hơn mười thư viện của Anh bị thiêu rụi.

Archibald MacLeish, người phụ trách Thư viện Quốc hội Mỹ, sợ điều tương tự sẽ xảy ra với những tài liệu được giao phó cho mình.

Ông quyết định đưa Thư viện Quốc hội vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh. MacLeish yêu cầu các nhân viên đánh giá, phân loại và ghi lại những tài liệu mà họ cho rằng độc nhất và không thể thiếu của nền dân chủ Mỹ.

Trong 10 tuần mùa xuân năm 1941, 700 nhân viên của Thư viên Quốc hội và các tình nguyện viên đã làm việc hơn 10.000 giờ để nhận diện và đóng gói hơn 5000 thùng tài liệu, bản nhạc, bản đồ, sách hiếm và các hiện vật không thể thay thế.

Chúng sẽ được chuyển đến địa điểm an toàn hơn nếu xảy ra chiến tranh.

Quốc hội Mỹ từ chối tài trợ cho việc xây dựng một boong ke ở Thư viện Quốc hội và Tòa án tối cao. Do đó, MacLeish hỏi Bộ trưởng Ngân khố Henry Morgenthau Jr liệu còn chỗ trong trong hầm trữ vàng ở Fort Nox, Kentucky.

Có quân đội bảo vệ thường trực, cộng thêm boong ke ngầm bằng bê tông và thép vững chắc, căn hầm này có lẽ là địa điểm an toàn nhất cả nước.

Nhưng, nó cũng chứa đầy vàng được chuyển đến vì lo sợ chiến tranh leo thang. Morgenthau nói với MacLeish rằng khoảng trống chỉ còn cỡ một cái tủ đông, tức chưa đầy 2 m3.

Chừng đó là đủ với những tài sản quý giá nhất của thư viện, nhưng không phải là 5000 thùng hàng. Vì thế, các nhân viên thư viện phải tìm kiếm thêm những cái kho nằm ngoài tầm với máy bay ném bom của địch.

Đó phải là một nơi nằm trong đất liền những không quá xa Washington vì nhân viên thư viện còn phải đến kiểm tra văn kiện. Nơi đó cũng phải tránh được nhện, sâu mọt và nguy cơ hư hại do nước.

Sau khi xem xét hơn 30 địa điểm, họ đã chọn Đại học Virginia, Đại học Washington và Lee cùng với Viện Quân sự Virginia.

Kế hoạch bí mật cất giấu tài liệu của người Mỹ sau trận Trân Châu Cảng - Ảnh 3.

Cuối tháng 12/1941, khi thủ tướng Anh Winston Churchill gửi lời đề nghị tham chiến đến Quốc hội Mỹ, một số hoạt động bí mật cũng diễn ra trên các đường phố.

Trong Thư viện Quốc hội, đích thân MacLeish đóng gói những thứ mà ông gọi là "bằng chứng lịch sử về tự do trong thế giới của chúng ta".

Đầu tiên, ông niêm phong những tài liệu sẽ gửi đến Fort Nox trong bốn chiếc vali bọc đồng, đã được đun ở 90 độ C trong vòng 6 giờ để loại bỏ hơi ẩm. Những vali đặc biệt này sau đó được bọc trong bông khoáng, đặt vào thùng gỗ lớn có đinh vít, dây thép, ổ khóa và niêm phòng lại bằng chì.

Sau đó, bốn kiện hàng này được chuyên chở bằng xe bọc thép đến Nhà ga Liên bang, tiếp tục chuyến đi bằng đường sắt đến Kentucky. MacLeish đã viết lại rằng: "Tôi cho rằng, đúng theo nghĩa đen, không có một lô hàng nào giá trị bằng lô hàng này từng được vận chuyển trong lịch sử đất nước."

Trong vài tuần tiếp đó, hàng ngàn thùng chứa các tài liệu vô giá khác như nhật ký của Washington được bí mật chở từ Thư viện Quốc hội đến kho chứa ở các trường đại học. Bất chấp số lượng ngươi tham gia lớn, hoạt động này vẫn được giữ kín trong suốt cuộc chiến.

Khi nỗi lo phát xít Đức tấn công Bắc Mỹ giảm bớt, hầu hết trong số 5000 thùng tài liệu đã trở về nhà vào mùa hè năm 1944. Chỉ có hai cuốn sổ tay mất tích, được cho đã thuộc về nhà thơ Mỹ Walt Whitman. Một trong hai vẫn chưa được nhìn thấy trong suốt bảy thập kỷ.

Ngày 1/10/1944, Hiến pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ trở về Thư viện Quốc hội, kết thúc kế hoạch cất giấu tài liệu quý giá nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ảnh: Internet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại