Tự tin giành chiến thắng
Để đối phó với “Kỷ nguyên Trump 2.0”, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị xây dựng các chiến lược tương ứng.
Tờ Politico phiên bản châu Âu mới đây đưa tin, theo các quan chức ngoại giao cấp cao đến từ Brussels và các nước thành viên EU, các quốc gia EU này đang phối hợp dưới sự lãnh đạo của Ủy ban châu Âu (EC) và đã thành lập một “đội phản ứng nhanh” tại Văn phòng Tổng thư ký EC nhằm ứng phó với khả năng xảy ra xung đột thương mại giữa châu Âu và Mỹ nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Theo Politico, đội phản ứng nhanh này, thường được gọi là “Lực lượng đặc nhiệm Trump” trong EU, sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch dự phòng và đảm bảo thực hiện một “cuộc phản công nhanh chóng và mạnh mẽ” trước các mối đe dọa thuế quan do ông Trump gây ra.
Politico dẫn lời của các quan chức cho biết, với phương châm “lừa tôi một lần thì bạn xảo quyệt, lừa tôi lần hai thì do tôi ngu ngốc”, các nhà lãnh đạo châu Âu đã “rút ra bài học” từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump và sẽ “đoàn kết và kiên quyết hơn bao giờ hết” trong việc ứng phó với ông.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Âu xác nhận rằng Brussels đã chuẩn bị một danh sách và họ “có lý do để tự tin giành chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại có thể xảy ra này.
Theo Politico, trong thời gian ông Trump làm Tổng thống Mỹ, chính phủ của ông đã thực hiện một loạt các biện pháp bảo hộ thương mại dựa trên nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết”, khơi mào nhiều tranh chấp và chiến tranh thương mại với các đối tác như Trung Quốc, ngay cả đồng minh quan trọng của Mỹ như EU cũng không là ngoại lệ.
Vào năm 2018, ông Trump đã đánh thuế lên 6,4 tỷ euro thép và nhôm xuất khẩu từ châu Âu với lý do giảm thâm hụt thương mại, khiến EU không kịp trở tay.
Để phản ứng, EU cũng điều chỉnh mức thuế áp dụng đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro.
Sau đó ông Trump còn đe dọa sẽ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU. Mặc dù những chính sách này cuối cùng không được thực thi, nhưng theo Politico, EU vẫn “sốc” khi nhận ra rằng ông Trump sẵn sàng phá vỡ chuỗi cung ứng và cắt đứt quan hệ với những đồng minh quan trọng nhất của Washington.
Sẵn sàng đáp trả
Theo Politico, sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, các đề xuất kinh tế của ông Trump lại càng leo thang. Ông tuyên bố rằng nếu trở lại Nhà Trắng sẽ áp thêm 10% thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Các quan chức EU ước tính điều này có thể dẫn đến việc xuất khẩu của EU sụt giảm khoảng 150 tỷ euro mỗi năm.
Ngoài ra, ông Trump cũng nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với việc EU áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các gã khổng lồ công nghệ Mỹ, và tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ không cho phép EU “hưởng lợi” từ các công ty Mỹ.
Politico đưa tin, ông Trump đang nhắm đến một trong những mạch máu kinh tế chính của châu Âu: ngành công nghiệp ô tô của Đức; khiến EU cảm thấy lo lắng. Nếu ông Trump thực sự áp thuế cao đối với xe hơi nhập khẩu vào Mỹ, hậu quả sẽ không chỉ với Đức mà còn là “thảm họa” đối với hầu hết các nền kinh tế EU.
Khi thời gian đang đếm ngược đến cuộc bầu cử Mỹ, EU đã bắt đầu ám chỉ rằng họ đang “sẵn sàng phản công” trước những đe dọa thuế quan của ông Trump. Tờ Financial Times (Anh) tiết lộ vào tháng 8 rằng EU đang xây dựng chiến lược phản ứng “cây gậy và củ cà rốt”.
Cụ thể, chiến lược này được chia thành hai bước: Nếu ông Trump thắng cử, bước đầu tiên của EU là cử ngay các nhà đàm phán liên hệ với ông, tìm cách đạt được thỏa thuận thương mại càng sớm càng tốt, tăng cường nhập khẩu một số hàng hóa từ Mỹ, nhằm tránh việc bị chính quyền Trump áp thuế lên sản phẩm của EU.
Nếu bước đầu tiên không thành công và ông Trump quyết định áp thuế trừng phạt, EU cũng sẽ tiến hành trả đũa có chọn lọc.
Theo Financial Times, EU đang lập danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể phải chịu mức thuế từ 50% trở lên. Họ có kế hoạch nhắm vào những mặt hàng như rượu bourbon, xe máy Harley-Davidson, tàu thuyền có động cơ... của Mỹ.
“Lần trước không thể ngờ rằng ông Trump lại đi xa như vậy, nhưng lần này, chúng tôi có đủ thời gian để chuẩn bị. Châu Âu đã thay đổi rất nhiều và chúng tôi sẽ sẵn sàng hành động”. Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu tiết lộ, lần này EU sẽ thực hiện “phản công nhanh chóng và mạnh mẽ”, bởi lãnh đạo tổ chức này tin rằng đòn trả đũa càng cứng rắn, tạo ra thiệt hại càng lớn, thì ông Trump sẽ càng nhanh chóng quay lại đàm phán và EU sẽ ở vị trí thuận lợi hơn.
Quan chức này nói thêm rằng EC đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa đáng kể để buộc ông Trump phải đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán đầu tiên.
Một nhà ngoại giao khác cũng tin rằng họ có thể đạt được một giải pháp thương lượng vì mặc dù ông Trump có thể nhạy cảm về vấn đề thuế quan, nhưng ông ấy cũng rất quan tâm đến đàm phán. “Về cơ bản, ông ấy là một nhà đàm phán”.
Muốn hợp tác hơn đối đầu
Politico đề cập rằng EU cũng có kế hoạch chơi “con bài Trung Quốc” trong các cuộc đàm phán. Các quan chức và nhà ngoại giao cho biết một phần của các cuộc đàm phán sẽ xoay quanh sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Mỹ về vấn đề Trung Quốc.
Nhà ngoại giao đầu tiên tuyên bố: “Nếu người Mỹ thực sự muốn hợp lực chống lại Trung Quốc, họ nên thân thiện hơn với [Chủ tịch EC] Ursula von der Leyen.”
Theo Politico, Mỹ là điểm đến lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu từ EU, chiếm 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU; Mỹ cũng là nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của EU, chiếm 13,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, đứng sau Trung Quốc.
Về việc giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và châu Âu, các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của ông Trump ít có tác dụng, và thâm hụt thương mại hàng năm vẫn tăng từ 114 tỷ euro vào năm 2016 lên 152 tỷ euro vào năm 2020. Thâm hụt gần như duy trì ổn định trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhưng vẫn ở mức cao 156 tỷ euro vào năm ngoái.
Trong quý 1 năm nay, thặng dư thương mại của EU với Mỹ đạt mức cao kỷ lục 43,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tạp chí Fortune (Mỹ) nhận định rằng thương mại xuyên Đại Tây Dương cho thấy thặng dư đơn phương của EU tiếp tục gia tăng.
Một số quan chức EU phân tích việc này và cho rằng EU khó có thể tăng đáng kể nhập khẩu từ Mỹ vì sản phẩm do Mỹ xuất khẩu thường có giá trị thấp hơn sản phẩm của EU. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU chưa bằng một nửa so với Mỹ và nhu cầu thị trường không đủ mạnh.
Theo Jan Hatzius - chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), một khi cuộc chiến thuế quan xuyên Đại Tây Dương nổ ra, EU sẽ chịu tổn thất lớn hơn Mỹ. GDP của EU sẽ giảm 1%, trong khi Mỹ giảm 0,5%. Tuy nhiên, tác động của cuộc chiến thuế quan đến tình hình lạm phát của cả hai bên là khác nhau. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ sẽ tăng 1,1%, trong khi ở EU chỉ tăng 0,1%.
Marjorie Chorlins thuộc Phòng Thương mại Mỹ cho biết: “Brussels đang lập kế hoạch dự phòng để đối phó với các mức thuế mới. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề là, nếu điều này thực sự xảy ra, liệu có còn khả năng đạt được một giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận thông qua đàm phán? Đến hiện tại, chúng tôi không biết điều đó, nhưng rõ ràng nếu đi theo con đường đó sẽ không có lợi cho cả hai bên.”