Một góc trung tâm thành phố ở Astana, Kazakhstan ngày 13/9/2022. Ảnh: Reuters
Hệ thống mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/4. Một quan chức Kazkhstan nói với điều kiện giấu tên: “Chính phủ của chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rất rõ ràng rằng Kazakhstan không áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt và hạn chế nào trong thương mại với Nga. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không cho phép lách luật trừng phạt của phương Tây và sẽ không trở thành địa điểm cho những vụ lách luật như vậy”.
Vị quan chức trên lưu ý thêm: “Chúng tôi hiểu tất cả những rủi ro của các biện pháp trừng phạt thứ cấp, vì vậy chúng tôi giám sát chặt chẽ hoạt động thương mại của chúng tôi với tất cả các đối tác”.
Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi cũng đã bày tỏ mối quan ngại trong bài phát biểu của ông cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã đến thăm thủ đô Astana vào tháng trước. Ông nói: “Kazakhstan có mối quan hệ lịch sử với cả Nga và Ukraine. Các nền kinh tế của chúng tôi đã kết nối với nhau trong một thời gian dài, và đó là lý do tại sao chắc chắn tất cả diễn biến hiện nay đều khá phức tạp đối với chúng tôi, đối với nền kinh tế của chúng tôi và Kazakhstan đang cố gắng tránh mọi tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt”.
Nhưng những trở ngại chính đối với việc tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây là địa lý và chế độ thương mại hiện tại mà Kazakhstan đang duy trì hoạt động.
Kazakhstan và Nga đều là thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Về lý thuyết, điều đó có nghĩa là không có kiểm tra hải quan đối với hàng hóa đi qua biên giới dài 7.600 km giữa hai nước.
Trong những năm gần đây, cơ chế này đã giúp Nga củng cố vị thế là đối tác thương mại chính của Kazakhstan. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi dòng hàng hóa phương Tây đến Nga bị cắt đứt, Moskva coi các nước láng giềng ở Trung Á và Kavkaz như một kênh gián tiếp.
“Thông tin do Cơ quan giám sát dữ liệu thương mại có trụ sở tại Geneva thu thập cho thấy một số hàng hóa bị trừng phạt - đặc biệt là chất bán dẫn tiên tiến - đang được chuyển đến Nga thông qua các nước thứ ba”, Bloomberg đưa tin hồi đầu tháng này.
Các số liệu chính thức cũng đã nói lên điều đó. Trong năm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Kazakhstan đã xuất khẩu một lượng nhỏ chất bán dẫn tiên tiến trị giá 12.000 USD sang Nga. Vào năm 2022, con số này đã tăng vọt lên 3,7 triệu USD.
Nghiên cứu được công bố gần đây của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cũng “cung cấp bằng chứng cho thấy thương mại trung gian thông qua các nền kinh tế láng giềng của Nga đang được sử dụng để lách lệnh trừng phạt”.
Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng của EBRD giải thích: “Chúng tôi đã chứng kiến sự xuất hiện của thương mại trung gian. Gia tăng xuất khẩu của phương Tây sang các nước Trung Á và Kavkaz đi kèm với gia tăng xuất khẩu từ các nước này sang Nga”.
Báo cáo của EBRD cho biết xu hướng giảm xuất khẩu từ EU sang Nga và tăng xuất khẩu sang Trung Á và Kavkaz “đặc biệt rõ ràng đối với các nhóm sản phẩm chịu một phần hoặc toàn bộ các lệnh trừng phạt của EU”.
Sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt, xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt của EU sang các thành viên EAEU là Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia đã tăng thêm 30% so với xuất khẩu các hàng hóa khác, báo cáo của EBRD kết luận sau khi nghiên cứu dữ liệu từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2022.
Theo các quan chức phương Tây thiết kế chế độ trừng phạt, không chỉ các đối tác thương mại trực tiếp của Nga cần thận trọng trong việc giúp ngăn chặn dòng chảy. Xét cho cùng, các quốc gia giúp Nga đáp ứng nhu cầu về chất bán dẫn và hàng hóa công nghệ cao tương tự hiếm khi là những quốc gia sản xuất các linh kiện này.
Và trong khi Kazakhstan không phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp, thì Washington đã trừng phạt một công ty của Uzbekistan về việc cung cấp vi mạch cho Nga.
Do đó, các quan chức Kazakhstan đang kêu gọi các doanh nghiệp cảnh giác với những rủi ro khi giao dịch với Nga trong tình hình hiện nay và cho biết chính phủ nước này đang “không ngừng nỗ lực để giảm thiểu rủi ro khi tái xuất”, đồng thời đã thiết lập một cơ sở dữ liệu trực tuyến để thông báo cho các công ty về các biện pháp trừng phạt. Hệ thống giám sát xuất nhập khẩu sẽ hoạt động vào tháng tới là một bước nữa trong những nỗ lực đó.