Sách tiếng Anh, tiểu luận trên mạng chứa đầy phần mềm độc hại

Bảo Nam |

Theo Kaspersky, sách giáo khoa và các bài tiểu luận tràn lan trên mạng đầy rẫy mã độc, tuy nhiên dường như chúng vẫn chưa đủ đáng sợ để khiến các sinh viên chùn tay mỗi khi muốn tìm tài liệu ôn tập cuối kỳ.

Nghiên cứu gần đây từ Kaspersky Labs cho thấy nhiều sách giáo khoa với nội dung vi phạm bản quyền, được phát tán bất hợp pháp trên mạng Internet chứa đầy các loại mã độc, malware. Trong năm học vừa qua, công ty này nó đã xác định được một văn bản học thuật bị nhiễm mã độc, được tải xuống tới 356.000 lần.

Đáng ngạc nhiên, hơn hai phần ba trong số các sự cố bảo mật này liên quan đến việc tải xuống các bài tiểu luận. Phần còn lại đến từ sách giáo khoa lậu. Theo kết quả khảo sát, sách giáo khoa tiếng Anh là một trong những loại văn bản học thuật bị nhiễm mã độc phổ biến nhất. Sách giáo khoa toán học xếp hạng ngay phía sau, tiếp theo là tài liệu văn học.

Loại mã độc được ẩn chứa trong các văn bản này cũng nhanh chóng được tìm ra và phân tích. Chủng phần mềm độc hại phổ biến nhất được xác định là "sâu" Stalk, lây lan qua mạng cục bộ và thông qua ổ đĩa flash USB.

Mặc dù Stalk không thể hiện bất kỳ hành vi nguy hiểm nào ngay lập tức, nhưng nó lại là chìa khóa để mở ra một cửa hậu, cho phép kẻ tấn công có thể triển khai nhiều phần mềm độc hại hơn một cách dễ dàng.

Sách tiếng Anh, tiểu luận trên mạng chứa đầy phần mềm độc hại - Ảnh 1.

Theo Roy Rashti, chuyên gia tại công ty an ninh mạng BitDam, sinh viên nên cảnh giác khi tải xuống sách giáo khoa lậu và các bài tiểu luận. Nếu buộc phải sử dụng các nguồn nội dung bất hợp pháp, cần có các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa hợp lý cho thiết bị của mình.

Trước khi mở tệp, người dùng nên quét qua xem có mã độc hay không bằng các phần mềm chuyên dụng, hoặc mở trong môi trường được giám sát. Hiện có khá nhiều công cụ hỗ trợ việc này, một cách miễn phí, cho phép kiểm tra các tệp tin nghi ngờ là độc hại trước khi mở.

Cuối cùng, Kaspersky cũng nhắc lại cảnh báo quen thuộc là các tệp PDF và Word từ lâu đã được "vũ khí hóa" bởi tin tặc, trở thành công cụ để phát tán mã độc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ thì có một vấn đề kinh tế trong câu chuyện này. Ngày nay, ở khắp mọi nơi, chi phí sinh hoạt và học phí cho các sinh viên liên tục tăng, trong khi điều kiện thu nhập khó có thể theo kịp. Do đó, ngân sách để mua các loại sách vở, tài liệu cũng trở nên eo hẹp. Trong tình hình này, các văn bản dữ liệu được lan truyền, chia sẻ trên mạng Internet như là chiếc phao cứu hộ duy nhất. Và khi tình trạng giáo dục đại học vẫn còn quá đắt đỏ, sinh viên sẽ tiếp tục vi phạm luật bản quyền, do đó tự đặt mình vào rủi ro bảo mật.

Tham khảo Thenextweb

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại