Trong một hội thảo gần đây, JPMorgan nhận định phi đô la hóa chỉ là vấn đề mà Mỹ cho phép nó diễn ra theo mức độ nào.
Bên cạnh đó, mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị của đồng đô la là nợ công và thâm hụt tài chính đang tăng mạnh của Mỹ, ngân hàng này nhận định.
Nhu cầu ở nước ngoài đối với trái phiếu kho bạc Mỹ củng cố vị thế thống trị toàn cầu của đồng bạc xanh vì các nhà đầu tư nước ngoài cần đô la Mỹ để mua nợ của Hoa Kỳ. Theo Quỹ Peter G. Peterson, người nước ngoài nắm giữ 29% nợ liên bang do công chúng nắm giữ tính đến tháng 12/2023.
Nhưng điều này có thể thay đổi nếu nợ liên bang mất đi sức hấp dẫn, một số chuyên gia cảnh báo.
Mặc dù trái phiếu kho bạc hấp dẫn vì được coi là nơi trú ẩn an toàn, một số nhà phân tích lo ngại rằng điều này đang gặp rủi ro. Chi tiêu của Mỹ đã tăng vọt kể từ khi xảy ra đại dịch. Thâm hụt hiện tại lên tới khoảng 6% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình 50 năm là 3,7%.
Trong khi đó, Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ cho biết nợ quốc gia vượt quá 35 nghìn tỉ USD tính đến cuối tháng 7, tăng 10 tỷ USD mỗi ngày trong những tháng gần đây. Đến năm 2034, khối nợ công của Mỹ (chỉ tính nợ do các nhà đầu tư nắm giữ và không tính đến nợ do chính các cơ quan, chương trình của chính phủ nắm giữ) sẽ lên tới 50,7 nghìn tỷ USD, tương đương 122,4% GDP, từ mức 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương 97,3% GDP năm 2023.
Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài hơn nữa, Mỹ sẽ khó trả nợ hơn và có thể vỡ nợ chỉ trong vòng 20 năm.
Phát biểu tại hội thảo, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính Mark Sobel cảnh báo Mỹ phải giải quyết khoản “thâm hụt khổng lồ” giữ chính sách tài khóa trong tầm kiểm soát.
Trong những năm gần đây, nỗi lo về phi đô la hóa bắt nguồn từ động thái của các quốc gia khác. Mặc dù việc đa dạng hóa sang các loại tiền tệ khác vẫn đang diễn ra, hội thảo kết luận rằng những cảnh báo về sự sụp đổ của đồng đô la là phóng đại. Thay vào đó, đồng bạc xanh vẫn duy trì thế thống trị toàn cầu như một công cụ dự trữ và chi tiêu quốc tế.
Ví dụ, có ý kiến chỉ ra rằng tỷ trọng của đồng đô la trong dự trữ ngoại hối đang giảm và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tích cực gom vàng như một giải pháp thay thế. Nhưng thực tế là, tiền gửi ngân hàng, tài sản quỹ đầu tư quốc gia và các công cụ đô la khác đã tăng lên, JPMorgan cho biết.
“Trong trường hợp của Trung Quốc, họ có mục tiêu rõ ràng là giảm lượng đô la nắm giữ trong dự trữ ngoại hối nhưng đã chuyển lượng đô la nắm giữ sang các thực thể nhà nước”, ngân hàng cho biết.