Theo Sci-News, các hình ảnh mới của James Webb - được chụp bởi 2 máy ảnh là Máy ảnh hồng ngoại gần và Dụng cụ hồng ngoại tầm trung, trong khuôn khổ cuộc khảo sát CEERS hướng về thế giới "bình minh vũ trụ" - cho thấy thứ có thể là một thiên hà chỉ ra đời 290 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Một khung hình mới từ James Webb, trong đó thiên hà cổ đại nhất Massie là chấm đỏ được phóng to trong khung hình vuông bên cạnh - Ảnh: NASA / STScI / CEERS / TACC
Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ được ước tính khoảng 13,8 tỉ năm trước, như vậy thiên hà bí ẩn, được đặt tên là Massie, đã hơn 13,5 tuổi.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Steven Finkelstein từ Khoa Thiên văn của Đại học Texas ở Austin - Mỹ, nhà điều tra chính của cuộc khảo sát CEERS cho hay việc nghiên cứu các thiên hà cổ đại nhất sẽ giúp chúng ta hiểu về chính các khối cấu tạo sớm của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).
Các cuộc tìm kiếm ở khu vực dịch chuyển đỏ z=6-10 (dựa trên một hiện tượng vật lý, trong đó ánh sáng phát ra từ các vật thể đang chuyển động ra xa khỏi người quan sát sẽ đỏ hơn) đã cho thấy cả một khu rừng um tùm các thiên hà cổ xưa.
Một bức ảnh từ James Webb thể hiện một vùng trời cổ đại với đủ kiểu thiên hà - Ảnh: NASA / STScI / CEERS / TACC
Thế nhưng các thiên hà có z>=10 vẫn rất hiếm hoi trong bộ dữ liệu cũ, do hạn chế của kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu).
Chiến binh mới của NASA/ESA/CSA (Cơ quan Vũ trụ Canada) - James Webb - mạnh mẽ hơn Hubble nhiều nên đã tìm kiếm được những thứ xa xôi hơn. Massie được xác định với độ dịch chuyển đỏ "khủng" z=14,3.
Hình ảnh chúng ta thấy từ Massie là một hình ảnh "xuyên không" bởi ánh sáng từ nó phải đi hơn 13,5 tỉ năm mới tới được Trái Đất, tức những gì chúng ta nhìn thấy là thế giới hơn 13,5 tỉ năm trước.
Những hình ảnh khác từ kho tàng vừa công bố của James Webb cũng cung cấp cái nhìn về một loạt thiên hà phức tạp, từ những cái trưởng thành đẹp đẽ cho đến những "trẻ sơ sinh". Cụm hình ảnh thuộc về một vùng trời rộng trong chòm sao Ursa Major (Đại Hùng).