Năm 1973, có một chàng trai người Mỹ tên là Colette thi đỗ vào Đại học Harvard, cậu ấy rất sung sướng và hy vọng sau khi tốt nghiệp có thể gây dựng được sự nghiệp trong xã hội.
Colette có một cậu bạn, cậu bạn ấy thường tới lớp nghe giảng cùng với Colette, khi họ học đến năm thứ 2 đại học, cậu bạn kia bỗng dưng rủ Colette bỏ học cùng với mình, ra ngoài khai thác và phát triển phần mềm tài chính 32 bit.
Đề nghị này khiến Colette cảm thấy vô cùng kinh ngạc, anh ấy không hiểu vì sao cậu bạn kia đã thi lên đại học rồi (mà đây còn là đại học hàng đầu thế giới Harvard) mà còn muốn bỏ dở và đi khai thác phát triển phần mềm tài chính 32 bit.
Không hoàn thành khóa học tại trường đại học là điều không thể chấp nhận được bởi đến các giáo sư, tiến sĩ cũng không dám nói đùa như vậy. Thế nên Colette đã từ chối đề nghị trên, tiếp tục học tập ở trường, còn cậu bạn của Colette vẫn quyết bỏ học để khởi nghiệp.
10 năm sau, Colette cần cù chăm chỉ đã trở thành học viên cao học ngành khoa học máy tính của trường Đại học Harvard. Còn cậu bạn bỏ học kia thì có mặt trong bảng xếp hạng tỷ phú của tạp chí Forbes.
Năm 1992, Colette lấy được học vị Thạc sĩ, anh cảm thấy mình đã đọc đủ sách và có đủ kiến thức để bắt đầu nghiên cứu phần mềm tài chính 32 bit nhưng cậu bạn của Colette đã khai thác và phát triển được phần mềm tài chính nhanh gấp 1.500 lần so với phần mềm 32 bit, nhờ đó đã nhanh chóng trở thành tỷ phú giàu có bậc nhất thế giới.
Cậu bạn ấy chính là Bill Gates.
Colette đã viện lý do kiến thức chưa đủ để kéo dài thời gian, anh ấy không ngừng đọc sách và cho rằng chỉ có tiếp thu hết những kiến thức trong sách thì mới có đủ tư cách đạt được thành công.
Nhưng Bill Gates lại hiểu rõ rằng tinh thần sáng tạo không nằm ở việc nắm bắt được bao nhiêu kiến thức trong sách vở, mà là có biết sử dụng đầu óc một cách linh hoạt hay không.
Trên thực tế rất nhiều người giống như Colette, họ cho rằng phải lĩnh hội đủ kiến thức chuyên ngành mới có đủ vốn để đi khởi nghiệp.
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng: Những người có sự nghiệp thành công đều đã ngắm chuẩn đích khi trong tay còn chưa nắm được nhiều kiến thức nhưng trong quá trình khởi nghiệp, họ sẽ không ngừng bổ sung kiến thức tùy theo yêu cầu của công việc.
Ngược lại, những người chỉ biết suốt ngày vùi đầu vào việc học sau này lại chẳng mấy ai có thể bắt tay vào sáng tạo, phát minh.
Nếu Bill Gates hoàn thành tất cả những khóa học như Colette và sau đó đi khởi nghiệp thì rất có thể thế giới này chỉ có thêm một tiến sĩ chứ không có Microsoft.
Sáng tạo không chờ đợi một ai, đừng đợi đến khi bản thân có đủ kiến thức phong phú thì mới bắt đầu sáng tạo. Những cái đầu toàn chữ sẽ luôn bị trói buộc bởi những kiến thức đã học, và sẽ chẳng thể bật ra được ý tưởng mới mẻ nào.
Tỷ phú Jack Ma hoàn toàn đồng tình với quan điểm này.
Theo ông, thành công không hề liên quan tới việc đọc sách nhiều hay ít nhưng sau khi thành công rồi thì việc đọc sách là vô cùng quan trọng. Jack Ma nói rằng đã chứng kiến rất nhiều người thành công mà không cần đọc sách nhưng sau khi thành công rồi mà không chịu khó trau dồi kiến thức chắc chắn sẽ dần trượt dốc trên con đường sự nghiệp.
* Nội dung trích từ cuốn sách "Mã Vân: Triết lý sống của tôi" của tác giả Trương Yến.