Jack Ma là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản gần 30 tỷ USD. Trên thế giới, ông là người giàu thứ 23.
Là Chủ tịch điều hành tập đoàn Alibaba, ông thống trị thị trường thương mại điện tử nước này với công ty có giá trị thị trường 264 tỷ USD và khoảng 450 triệu người dùng. Là đại sứ của doanh nghiệp Trung Quốc, ông đã dành tổng cộng 800 giờ năm 2016 để ghé thăm các hoàng tử, Tổng thống, Thủ tướng và nhiều nhân vật cao cấp khác trên toàn cầu.
Tuy vậy, ngay cả những người giàu có và quyền lực nhất từng gặp Ma đều không biết nhiều về thưở hàn vi của ông cũng như đế chế mà ông gây dựng 18 năm trước tại thành phố Hàng Châu. Jim Kim, nhà vật lý, người đang là Chủ tịch Ngân hàng thế giới, gặp Ma 4 năm trước trong bữa tối dài 3 tiếng đồng hồ và bất ngờ khi thấy tỷ phú đi sandal, đeo tràng hạt, ngồi vắt chéo chân.
Ông cũng bị thu hút bởi đam mê của Ma đối với việc thúc đẩy thương mại toàn cầu thông qua tập trung vào doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Những người khác lại bị tính cách của Ma làm cho cảm động. Jean Liu, Chủ tịch startup đi chung xe Didi Chuxing, đã biết Ma nhiều năm và xem ông là thầy. Gần đây, cô biết được rằng ông thường xuyên thăm một thợ may bị ốm. Liu nhận xét: "Ông ấy quan tâm chân thành đến mọi người xung quanh".
Tiếp đến là Thổng thống Mỹ Donald Trump, người gặp Ma lần đầu chỉ vài tuần sau khi đắc cử. "Trump không biết nhiều về Alibaba", Michael Evans, người sắp xếp cuộc gặp, cho hay. "Ông rất hứng thú khi nghe được rằng người Trung Quốc muốn mua hàng từ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ".
Ma từng đưa ra cam kết khá táo bạo rằng Alibaba sẽ tạo ra 1 triệu việc làm tại Mỹ trong 5 năm. Nó giống như bản giao hưởng với đôi tai của tân Tổng thống vậy. "Đây là cuộc gặp tuyệt vời. Jack và tôi sẽ cùng nhau làm những thứ vĩ đại", Tổng thống Trump phát biểu trước camera đứng đợi tại tháp Trump.
Tổng thống Mỹ không phải người duy nhất cần hiểu hơn về Alibaba. Bất chấp ngai vàng tại Trung Quốc và vụ IPO đình đám năm 2014, công ty của Ma vẫn là một bí ẩn với những người không phải dân Trung Quốc.
Có một lý do khá đơn giản: số ít người sống bên ngoài nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là khách hàng Alibaba. Ma biết về thực tế này và đó là động lực để ông liên tục bay vạn dặm nhằm nói với mọi người về công ty và kế hoạch của mình.
Để thực hiện tầm nhìn – phụ thuôc vào công nghệ để mua bán, chuyển phát hàng hóa trên nền tảng điện tử, Ma bận rộn để chuẩn bị với tư cách nhà lãnh đạo thế giới. Ông đang là giám đốc Trung Quốc đầu tiên khẳng định vượt khỏi sân nhà lên sân khấu toàn cầu.
Trong các chuyến đi, ông hối thúc hạ thấp rào cản thương mại, kể về hoạt động từ thiện và hỗ trợ các trường hợp như giáo dục tiểu học. Tầm nhìn toàn cầu hóa của ông được chuẩn bị cẩn thận và mở rộng vừa đủ để nhất quán với mục tiêu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như phù hợp với chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Jack Ma trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/1/2017 tại Trump Tower.
Cùng với nhiều lãnh đạo khác, động cơ của Ma khá phức tạp. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu dùng lớn và vẫn phát triển nhanh chóng, song ông biết rằng cần chinh phục các miền đất mới để Alibaba giữ vững vị thế. Ma cần tăng cường uy tín cho Alibaba, vốn bị chỉ trích vì hàng giả được đăng bán tràn ngập.
Cơ hội của Ma là độc nhất vô nhị. Sau nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã khôi phục lại vị trí hàng đầu, cũng như Alibaba được xếp vào danh sách các công ty đột phá thế giới. Ma, 52 tuổi, dường như nhận ra đây là khoảnh khắc để vượt ra ngoài sự nổi tiếng và có một chỗ trong danh sách các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được kính trọng nhất.
Chống lại Amazon
Nếu tìm kiếm một sự so sánh, có thể xếp Ma bên cạnh CEO Amazon Jeff Bezos, nhân vật số 1 trong danh sách lãnh đạo tốt nhất thế giới của Fortune năm 2016. Cả hai đều nổi tiếng với sự bền bỉ, triết lý quản lý và danh sách các quỹ đầu tư lớn.
Một điều bất ngờ trong giai đoạn đầu cạnh tranh lẫn nhau giữa hai công ty chính là kinh doanh của Alibaba còn tốt hơn nhiều Amazon, ít nhất về lợi nhuận. Ngoài ra, Ma cũng có nhiều mối quan hệ với chính phủ hơn, cả ở Bắc Kinh lẫn Washington, trong khi tờ Washington Post của Bezos thường chỉ trích Tổng thống.
Tuy vậy, vị thế của Ma với Nhà Trắng lại phụ thuộc mạnh mẽ vào cam kết tạo việc làm tại Mỹ. Dù vậy, lời cam kết có chút mơ hồ. Cụ thể, Ma dự đoán có 1 triệu doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đăng ký trên sàn TMĐT, chủ yếu là Taobao và Tmall. Tại Trung Quốc, Alibaba là sân chơi của 10 triệu thương gia, ước tính 30 triệu việc làm.
Nhiều người cho rằng quan hệ với ông Trump của Ma nhằm giúp cho kế hoạch bán cho người dùng Mỹ của Alibaba. Đến nay, Alibaba tập trung vào việc giúp doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm cho người dùng Trung Quốc hơn các cách khác. Chiến lược của họ không phải chỉ là cạnh tranh với Amazon.
Theo Evans, Chủ tịch Alibaba, Alibaba xâm nhập Mỹ bằng 3 con đường: hợp tác với thương hiệu nổi tiếng để bán trên Tmall; giúp doanh nghiệp nhỏ - tạo việc làm mới – bán trên Taobao; kết hợp nhà sản xuất Mỹ với nhà sản xuất linh kiện Trung Quốc trên Alibaba.com. Ông Evans cho biết Tmall đang có 7.000 nhãn hiệu Mỹ.
Lên sàn đấu thế giới
Sự ham học hỏi làm nên thành công của Ma trong kinh doanh. Ông bắt đầu sự nghiệp như một giáo viên tiếng Anh sau khi học qua xem phim và nói chuyện với du khách phương Tây tại quê nhà. Ma là một trong những người đầu tiên thuộc nhóm doanh nhân Trung Quốc khám phá Internet và khả năng xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ.
Chẳng hạn, năm 1997, khi đang làm cho Bộ Thương mại Trung Quốc, Ma được bổ nhiệm làm phiên dịch viên cho đồng sáng lập Yahoo Jerry Yang trong chuyến thăm đến Bắc Kinh. Yang, người sau này đầu tư 1 tỷ USD vào Alibaba năm 2005 và vẫn đang trong ban quản trị, nhận xét Ma là người tự tin, hiếu học và bộc lộ rõ khao khát tìm hiểu thế giới điện tử, Internet mới.
Ông rất thích thú với vai trò giáo viên. "Trong hơn 12 năm, tôi tự gọi mình là Giám đốc giáo dục". Năm 2013, ông từ chức CEO Alibaba (CEO hiện tại của Alibaba là Daniel Zhang, gia nhập công ty năm 2007). Tuy nhiên, không ai nghi ngờ rằng Ma chính là tiếng nói có trọng lượng nhất đến các quyết định quan trọng của Alibaba và các hội viên.
Ông ngày càng tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế trên con đường nâng cao tầm cỡ của bản thân lẫn công ty. Năm ngoái, Ma trở thành cố vấn đặc biệt về doanh nhân trẻ và doanh nghiệp nhỏ tại Hội nghị thương mại và phát triển Liên hợp quốc. Ông cũng có mặt tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ.
Năm 2015, Alibaba mua tờ báo South China Morning Post, khoảng 2 năm sau khi Bezos của Amazon mua Washington Post. Cũng như Bezos, ông không nhúng tay vào tờ báo, ít khi gặp mặt nhân viên và đưa cánh tay thân tín, Phó Chủ tịch Alibaba Joe Tsai, làm chủ.
Ma giải thích khoản đầu tư của mình nhằm bảo đảm những người không nói tiếng Trung có thể được đọc các tin tức chất lượng về Trung Quốc.
Chủ tịch Alibaba cho rằng khi điều hành một công ty lớn như Alibaba, ông phải có trách nhiệm chia sẻ với mọi người những gì mình nghĩ. "Ý tưởng, chính sách và hoạt động của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nửa tỷ người".
Phía trước là điều gì?
Ma có một lời thú nhận gây sửng sốt: Ông muốn nghỉ hưu. Ông nói bắt đầu chuẩn bị cho ngày này vào năm 45 tuổi và không muốn trở thành một trong những ông già tham dự các cuộc họp ban quản trị rất lâu sau khi họ đã đánh mất "phép thuật" của mình. "Họ nên cho người trẻ một cơ hội".
Ông không tiết lộ mình sẽ làm những gì nhưng đã có những ý tưởng về các hoạt động sau khi rời Alibaba. "Tôi có thời khóa biểu riêng. Tôi không muốn chết trong văn phòng mà muốn chết trên bãi biển".
Dù vậy, chỉ có số ít xem cuộc nói chuyện này là nghiêm túc. Nhiều người quan sát thân cận với Alibaba chỉ ra không một quyết định lớn nào xảy ra mà không có ông và ông sẽ còn tiếp tục vạch chiến lược cho Alibaba.
Dù chỉ sở hữu chưa đến 8% công ty và còn không nắm cổ phiếu kiểm soát, mọi người đều hiểu nhân viên làm việc cho Alibaba, giống với cách Steve Jobs điều hành Apple dù chỉ với cổ phần nhỏ nhoi.
Trong lúc này, Ma đang theo đuổi hai mục tiêu song song là hạ thấp rào cản thương mại và tăng vận may cho các doanh nghiệp nhỏ. Alibaba có một sứ mệnh tương đối đơn giản dù là công ty lớn, đó là "giúp cho kinh doanh dễ dàng ở bất kỳ đâu".
Tại Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với đầu tư vào mạng lưới các công ty logistics có tên Cainio – Alibaba sở hữu 47% - nhằm cải tổ năng lực nghèo nàn của hệ thống chuyển phát bưu chính chính phủ. Alipay đang mở rộng từ xử lý thanh toán cho đến các khoản nợ, khiến cho các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc tức giận. Ma còn tạo ra thương hiệu mới cho các sáng kiến như vậy, đặt tên là World e-Trade Platform (eWTP).
Với Ma, toàn cầu hóa là một khởi đầu tuyệt vời nhưng tất cả mới chỉ là giai đoạn sơ khai. Toàn cầu hóa là "một đứa trẻ" và sẽ gặp những vết thương khi trưởng thành. "Chúng ta không thể giết đứa trẻ chỉ vì chúng khóc nhiều được".
Ông tin rằng sức mạnh kinh tế có thể làm được những gì mà các chính trị gia không thể. "Có lẽ cộng đồng kinh doanh phải dẫn dắt thay vì chính phủ. Tôi cảm thấy tiếc cho chính phủ. Khi đặt 200 lãnh đạo nhà nước vào trong một căn phòng cố để nhận ra gì đó, nó là điều bất khả thi. Tuy nhiên, khi đặt 200 doanh nhân vào một phòng, chúng ta có thể nghĩ ra gì đó". Và, rất có khả năng, Ma chính là người đi đầu cuộc thảo luận ấy.