Hãng Reuters đưa tin binh sĩ Israel đã đột kích bệnh viện Kamal Adwan ở phía Bắc Gaza nhiều ngày trong tuần này. Các video cho thấy bệnh viện trong tình trạng đổ nát, bên ngoài lối vào bị phá hủy, những bức tường bị đập nát và cháy rụi.
Quân đội Israel cho biết bệnh viện này được sử dụng như một "Trung tâm chỉ huy và kiểm soát" của Hamas. Israel đã bắt giữ khoảng 80 tay súng trước khi rời khỏi địa điểm vào ngày 16-12.
Cũng theo quân đội Israel, "quân đội đã phá hủy cơ sở hạ tầng trong khu vực", tìm thấy "nhiều vũ khí" và "các công nhân thú nhận rằng vũ khí được giấu trong lồng ấp trẻ sinh non".
Những người đàn ông cầm vũ khí được binh lính Israel dẫn ra gần bệnh viện Kamal Adwan. Bức ảnh được công bố ngày 14-12. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Israel
Trong khi đó, Hamas ngày 16-12 cáo buộc quân đội Israel đã thực hiện một "vụ thảm sát kinh hoàng" bên trong bệnh viện.
Cơ quan y tế Dải Gaza nói quân đội Israel đã khiến hàng trăm người trú ẩn bên trong bệnh viện Kamal Adwan phải di dời.
Trước đó, cơ quan này ngày 13-12 cho biết lực lượng Israel đã "nổ súng vào các phòng bệnh nhân" và bắt giữ các nhân viên tại bệnh viện Kamal Adwan ở TP Gaza trong một "cuộc bao vây" kéo dài vài ngày.
Theo Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) cùng ngày, giám đốc bệnh viện và khoảng 70 nhân viên y tế "bị giam giữ ở một địa điểm không xác định bên ngoài bệnh viện".
Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi đầu tuần khẳng định ông "cực kỳ lo lắng" về tình hình tại bệnh viện Kamal Adwan.
Xe tăng của quân đội Israel. Ảnh: Reuters
Hiện tại chỉ còn 11/36 bệnh viện ở Gaza hoạt động. Gaza là nơi sinh sống của 2,3 triệu người, hầu hết phải rời bỏ nhà cửa kể từ vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10.
Theo cơ quan y tế Gaza, số liệu thống kê ghi nhận ít nhất 18.800 người đã thiệt mạng, trong đó có 8.000 trẻ em và 6.200 phụ nữ, 51.000 người bị thương.
Trong bối cảnh xung đột tại Gaza tiếp diễn, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã lệnh cho tàu sân bay USS Gerald R. Ford và một tàu sân bay khác ở lại Địa Trung Hải, nhằm duy trì sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ gần Israel.
Đây là lần thứ ba Mỹ gia hạn sự hiện diện của tàu sân bay Ford tại biển Địa Trung Hải. Ngoài ra, việc Mỹ điều hai tàu sân bay trong khu vực biển Địa Trung Hải là một điều hiếm thấy trong những năm gần đây.
Lầu Năm Góc đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực gần Trung Đông, sau khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát để ngăn chặn xung đột mở rộng ra toàn khu vực.