Gaza đổ nát do các cuộc tấn công của IDF.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), một loạt ít nhất 25 quả tên lửa do Hezbollah bắn từ Lebanon vào lãnh thổ Israel sáng thứ 18/11.
Đáp lại, quân đội Israel đã tấn công một số vị trí của Hezbollah dọc biên giới Lebanon-Israel.
Tờ Jpost cho rằng, những cuộc tấn công lẫn nhau khiến khu vực này có đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh tổng lực.
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã gia tăng kể từ khi Tel Aviv phát động chiến dịch tổng lực chống lại Hamas và các chiến binh Palestine khác ở Dải Gaza sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hồi tháng 10.
Hôm 18/11, truyền thông Israel dẫn lời các quan chức Lebanon nói rằng một cuộc tấn công gần đây của Lực lượng Không quân Israel (IAF) vào một tòa nhà gần thị trấn Nabatieh, trở thành "một trong những cuộc không kích sâu nhất" của Israel bên trong lãnh thổ Lebanon kể từ tháng 10.
Lực lượng IDF vẫn chưa bình luận về thông tin vụ tấn công này.
Lời cảnh báo của thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah
Trong bài phát biểu thứ hai kể từ khi bắt đầu xung đột Gaza, Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 11/11 tuyên bố rằng nhóm chiến binh Shiite sẽ tiếp tục gây áp lực lên Tel Aviv để buộc nước này phải dừng hoạt động ở Gaza bị cho là đã cướp đi hơn 11.000 sinh mạng.
Đặc biệt, thủ lĩnh Hezbollah cho biết tổ chức này đang tăng số lượng các cuộc tấn công và chuyển sang các loại vũ khí mạnh hơn, đề cập đến "tên lửa Burkan mang phần chiến đấu nặng từ 300 kg đến 500 kg".
Nasrallah nói rõ rằng sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào Israel, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông được phát động từ Iraq và Yemen có liên quan đến hoạt động ở Gaza của Israel.
Thủ lĩnh Hezbollah nhấn mạnh: "Đối với người Israel và Mỹ, tôi nói: Nếu muốn các mặt trận thứ cấp dừng lại, các bạn phải ngừng hành động gây hấn ở Gaza".
Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế cho rằng, thực tế là không có dấu hiệu nào cho thấy Hezbollah đang xem xét một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại Israel và Mỹ.
Ali Rizk, một chuyên gia về Trung Đông ở Lebanon đã dẫn lời các nguồn tin thân cận với phong trào Shiite nói rằng Hezbollah không muốn "kéo Lebanon vào một cuộc chiến tranh hủy diệt trừ khi Israel áp đặt một cuộc chiến như vậy".
Một nguồn tin khác nói với Rizk rằng "Hezbollah đang hành xử như một tác nhân hợp lý của người Lebanon, rất coi trọng lợi ích quốc gia của người Lebanon".
Hôm 17/11, truyền thông Mỹ cũng thừa nhận rằng các cuộc đụng độ xuyên biên giới Lebanon "đã tương đối hạn chế" mặc dù Hezbollah hiện nay "có lẽ đã mạnh hơn bao giờ hết".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các nhà báo hồi đầu tuần rằng Iran và Lebanon không muốn can dự vào cuộc xung đột Hamas-Israel, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ không can thiệp trừ khi có hành động khiêu khích.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: "Tôi tin rằng cả Iran và Lebanon đều không muốn tham gia vào cuộc khủng hoảng này".
Lý do của Israel
Trong khi đó, Israel tỏ ra không sẵn sàng kết thúc hoạt động quân sự ở Dải Gaza bất chấp sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế.
Ngày 12/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Không có áp lực quốc tế sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm của Israel. Israel sẽ kiên quyết chống lại tất cả nếu cần thiết".
Lý do của Tel Aviv đằng sau việc tiếp tục hoạt động là Hamas - vốn bị Israel coi là tổ chức khủng bố nên ngừng tiến hành các cuộc tấn công vào các khu định cư của Israel trong thời gian tới, trong khi Dải Gaza phải được "phi quân sự hóa".
Về phần mình, chính quyền Mỹ trước đó cũng đã thuyết phục Tel Aviv tạm ngừng bắn nhân đạo mỗi ngày, nhưng sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ dường như đang ủng hộ việc Israel hoàn thành sứ mệnh của mình.
Tờ Washington Post ngày 13/11 tuyên bố rằng bằng chứng do tình báo Israel và Trung Đông thu thập cho thấy Hamas đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công dài hơn và sâu hơn bên trong lãnh thổ Israel với kỳ vọng rằng nó sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Tel Aviv.
Theo các phương tiện truyền thông, Hamas đã sẵn sàng hy sinh to lớn để khởi động một làn sóng phản kháng mới của người Palestine, liên quan đến người dân Bờ Tây, do đó làm chệch hướng quá trình bình thường hóa quan hệ Ả Rập-Israel gần đây.
Trong mắt Tel Aviv, cách duy nhất để đảm bảo an ninh cho nhà nước Do Thái là đánh bại hoàn toàn Hamas và thiết lập quyền kiểm soát của IDF ở khu vực thời hậu chiến. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ IDF sẽ tiến hành hoạt động như thế nào ở miền nam Gaza đông dân ngay cả khi họ nhanh chóng ngăn chặn được Hamas ở phía bắc.
Tương tự như vậy, Tel Aviv đã áp dụng lập trường cứng rắn đối với Hezbollah và các lực lượng dân quân Shiite khác trong bối cảnh xung đột ở Gaza.
Đáp lại bài phát biểu thứ hai của thủ lĩnh Nasrallah, các quan chức Israel cảnh báo rằng "trò chơi" của Hezbollah có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố: "Những gì chúng tôi có thể làm ở Gaza, chúng tôi cũng có thể làm ở Beirut".
Cách kết thúc xung đột
Rizk cho rằng, quyết tâm của Israel khiến Washington cảm thấy bất an, vì chính quyền Mỹ được cho là không sẵn sàng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quy mô lớn ở Trung Đông.
Thật vậy, Mỹ có rất nhiều thứ phải lo, bao gồm cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine, quan hệ với Trung Quốc về vấn đề đảo Đài Loan và cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sắp tới, những điều này sẽ không phải là một cuộc dạo chơi dễ dàng do tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden đang giảm mạnh.
Trích dẫn các báo cáo truyền thông xuất hiện sau tuyên bố của Gallant, chuyên gia Rizk lưu ý rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về việc Israel leo thang chống lại Lebanon trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Israel.
Trong khi Lầu Năm Góc nhận thấy những rủi ro rõ ràng trong cách tiếp cận cứng rắn của Israel đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Gaza và dọc biên giới Lebanon, thì về phần mình, Tel Aviv có thể coi sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền Mỹ là "bật đèn xanh" cho mọi hành động của họ trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình có thể còn phức tạp hơn, theo Mehran Kamrava, giáo sư tại Đại học Georgetown Qatar, nói rằng chính quyền Biden đơn giản là không có khả năng "ra lệnh" cho Israel.
Cuộc chiến đang diễn ra có thể dẫn đến hậu quả tai hại ở Trung Đông trừ khi lệnh ngừng bắn được thực hiện khẩn cấp ở Gaza, một chuyên gia khác là Giáo sư Seyed Mohammad Marandi của Đại học Tehran đã cảnh báo.
"Điều duy nhất có thể kết thúc chuyện này là một lệnh ngừng bắn. Các tàu sân bay Mỹ không có tác động gì đến cuộc xung đột. Các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ không có tác động gì đến quá trình ra quyết định. Điều quan trọng duy nhất hiện nay là cuộc chiến ở Gaza kết thúc", Marandi nhấn mạnh.