Israel đang tiến gần hơn đến việc thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu định cư Do thái ở khu Bờ Tây khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đạt được một thỏa thuận thành lập chính phủ sau hơn 1 năm bế tắc chính trị. Tuy nhiên, kế hoạch này đang nhận nhiều sự phản đối và chỉ trích của các nước Arab và châu Âu khi cho rằng, hành động của Israel sẽ giáng một đòn mạnh vào giải pháp hai nhà nước được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn.
Quốc vương Jordan Abdullah II hôm qua (15/5) cảnh báo, nếu Israel thực sự sáp nhập một số khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây vào tháng 7 tới sẽ có thêm nhiều bất ổn và cực đoan trong khu vực và có thể dẫn đến một cuộc xung đột quy mô lớn. Jordan là một trong 2 nước Arab ký Hiệp ước hòa bình với Israel. Tuy nhiên Quốc vương Abdullah từ chối bình luận về việc liệu kế hoạch sáp nhập có ảnh hưởng đến thỏa thuận này hay không mà chỉ cho biết đang cân nhắc tất cả các lựa chọn.
Tuyên bố này của Quốc vương Jordan cho thấy sự sẵn sàng bắt đầu một cuộc xung đột quân sự với Israel. Các chuyên gia không loại trừ rằng Jordan sẽ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia Trung Đông khác, bao gồm cả Lebanon, Palestine, Iran, Ai Cập, Syria...
Trước đó, cùng ngày, Palestine đã bày tỏ sự phản đối kế hoạch sáp nhập các khu vực ở Bờ Tây của Israel.
Ông Wasel Abu Yousef, một thành viên Tổ chức Giải phóng Palestine cho rằng: "Tôi nghĩ rằng kế hoạch này là trái với tất cả các luật lệ và quy tắc quốc tế, vi phạm các nghị quyết của Đại hội đồng, đặc biệt là nghị quyết 2334 của Liên Hợp Quốc. Cách duy nhất để đạt được hòa bình và ổn định là duy trì cam kết đối với luật quốc tế và các nghị quyết về tính hợp pháp quốc tế”.
Hiện phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát dải Gaza kêu gọi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mời các phe phái và lực lượng ở cấp tổng thư ký tổ chức một hội nghị khẩn cấp nhằm xây dựng chiến lược hiệu quả để ứng phó với kế hoạch sáp nhập của Israel. Về phần mình, phong trào Hồi giáo Thánh chiến Jihad (IJ) cũng kêu gọi tổ chức hội nghị khẩn cấp ở cấp tổng thư ký và tái cơ cấu Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) "nhằm xây dựng quan hệ đối tác và chấm dứt chia rẽ".
Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu hôm qua cũng có cuộc họp nhằm thảo luận các hành động phản ứng của khối, nếu Israel thúc đẩy kế hoạch sáp nhập Bờ Tây . Tại hội nghị trực tuyến, các Ngoại trưởng châu Âu lên án các hoạt động mở rộng khu định cư của Israel, đồng thời cho rằng, các dự án chung với Israel có khả năng bị ảnh hưởng do các bước đi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, các nước thành viên EU cho biết sẽ chờ xem chính phủ mới của Israel sẽ hành động ra sao sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Những tiếng nói phản ứng này được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo đảng Xanh-Trắng Benny Gantz đã đạt được một thỏa thuận, theo đó, Israel sẽ sáp nhập tất cả các khu định cư ở Bờ Tây vào tháng Bảy tới. Hoạt động định cư của Israel ở khu Bờ Tây bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và đây cũng là một trong những trở ngại lớn đối với tiến trình hòa đàm giữa Palestine và Israel kể từ năm 2014./.