Thông báo này được đưa ra sau khi chính phủ Israel ký kết thỏa thuận trang bị vũ khí với các nhà thầu Rafael và Elbit nhằm thúc đẩy quá trình phát triển vũ khí năng lượng định hướng Iron Beam.
Iron Beam sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng không Iron Dome (vòm sắt) của Israel, theo lời ông Daniel Gold, người đứng đầu nghiên cứu quân sự.
“Sự kết hợp giữa việc đánh chặn bằng laser và đánh chặn bằng tên lửa sẽ củng cố vòng bảo vệ trước các mối đe dọa từ rocket, tên lửa, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các mối đe dọa khác,” ông nói.
Rafael là nhà phát triển chính của hệ thống Iron Beam, trong khi Elbit cung cấp pháo laser cho hệ thống này. Theo thỏa thuận trị giá 2 tỷ NIS (536 triệu USD), phần của Rafael chiếm khoảng 60% trong khi phần của Elbit là 40%.
Iron Beam là hệ thống phòng không sử dụng laser, có khả năng đối phó với nhiều mối đe dọa trên không như rocket, bom, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Hệ thống này có thể được lập trình để theo dõi các mục tiêu bay thấp và sử dụng năng lượng vừa đủ để vô hiệu hóa chúng.
Hệ thống này lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 2/2014 tại Triển lãm Hàng không Singapore. Sau khi chứng minh khả năng trong một loạt thử nghiệm tại miền Nam Israel cách đây 3 năm, nó đã tiến vào giai đoạn phát triển và điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của chiến trường.
Một tên lửa Tamir được phóng từ hệ thống Vòm sắt có giá khoảng 100.000 USD, trong khi chi phí đánh chặn bằng laser chỉ tương đương với giá điện năng tiêu thụ. Bước tiến này được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa nền kinh tế phòng không, khi hiện nay, kẻ tấn công thường chiếm được nhiều lợi thế hơn do chi phí triển khai tên lửa và máy bay không người lái thấp hơn so với chi phí bắn hạ chúng.
Tuy nhiên, so với Iron Dome, hệ thống laser có khả năng xử lý các đợt tấn công bằng rocket lớn kém hơn và cũng gặp phải một số hạn chế nhất định trong điều kiện thời tiết xấu như mây mù, mưa hoặc bão cát.