Mỹ đối mặt sự ngờ vực ở châu Á

Thu Hằng |

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh cam kết của Washington với khu vực châu Á - Thái Bình Dương "chưa bao giờ mạnh như hiện nay"

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến thủ đô Tokyo - Nhật Bản ngày 12-11, mở đầu chuyến công du thay mặt Tổng thống Donald Trump tại các sự kiện quốc tế quan trọng trong "mùa thượng đỉnh" cao điểm ở châu Á. 

Ông gánh trên vai trọng trách trấn an các đồng minh về chính sách của Mỹ tại khu vực giữa lúc hoài nghi gia tăng về cam kết và tính nhất quán của chính sách này. Có điều, sứ mệnh làm rõ chiến lược châu Á của Washington mà phó tổng thống Mỹ gánh vác đối mặt một trở ngại lớn: Ông không phải tổng thống!

Sự vắng mặt của ông Trump tại loạt hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở châu Á không phải là một sự lạnh nhạt - "phó tướng" của ông chủ Nhà Trắng nói với báo giới trước thềm chuyến thăm Nhật Bản, Singapore và Papua New Guinea trong tuần này. 

Ông Pence nhấn mạnh cam kết của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương "chưa bao giờ mạnh như hiện nay", rằng quyết định của ông Trump không đến châu Á dự họp hoàn toàn không phải là sự lạnh nhạt.

Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên không dự hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan ở Singapore, cũng như Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea từ năm 2013. 

Đó là năm tổng thống Mỹ lúc ấy - ông Barack Obama - phải hủy chuyến công du để giải quyết khủng hoảng chính phủ đóng cửa.

Tại châu Á, ông Pence phải tìm cách thu hẹp những khoảng trống được mở rộng vì nhiều hành động của Tổng thống Trump, như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), áp thuế quan lên hàng hóa của nhiều nước đồng minh, cũng như căng thẳng với Trung Quốc cả về ngoại giao lẫn thương mại.

Theo nhận định của ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Công ty Chiến lược kinh doanh Albright Stonebridge Group (Mỹ), ông Pence phải đưa ra những thông báo quan trọng mới có thể vượt qua được sự hoài nghi ngày càng dâng cao.

"Tổng thống Trump đang gây thất vọng vì không đến châu Á lần này. Ông Pence sẽ cố gắng nói những điều đúng đắn nhưng nếu ông ấy không đưa ra được những đề xuất cụ thể thì khó có thể dập tắt được sự ngờ vực đã nổi lên về chính quyền (Mỹ)" - chuyên gia từng là giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN nói thêm.

Theo tiết lộ của một quan chức cấp cao Mỹ, ông Pence có hành trang là sự ủng hộ hoàn toàn của tổng thống và các kế hoạch công bố một số sáng kiến mới trong chuyến công du kéo dài một tuần. Chúng bao gồm các sáng kiến song phương và đa phương bao trùm các lĩnh vực kinh tế số, năng lượng và hạ tầng. 

Giới chức Nhà Trắng cho biết ông Pence có thể sẽ thuyết phục các nước Đông Nam Á rằng những khoản đầu tư từ lĩnh vực tư nhân của Mỹ cộng với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ về quản trị và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ là một lựa chọn lành mạnh, bền vững hơn so với mô hình của Trung Quốc hiện tại. 

Các khoản đầu tư hạ tầng từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bị cáo buộc đẩy các quốc gia nhận tiền vay rơi vào "bẫy nợ".

Trong khi đó, giới quan sát đang dõi theo liệu ông Pence có cuộc gặp nào với các quan chức Trung Quốc trong chuyến công du hay không sau khi đưa ra những chỉ trích nặng nề đối với Bắc Kinh hồi tháng trước về vấn đề biển Đông, ngoại giao gây nợ, thậm chí cả cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ… 

Bà Alyssa Farah, người phát ngôn của ông Pence, cho biết phó tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh về các vấn đề như thương mại và quân sự hóa phi pháp ở biển Đông tại châu Á lần này. Theo bà Farah, ông Pence dự định gửi đi thông điệp Mỹ sẽ không dung thứ cho hành vi xem thường chủ quyền các nước của bất kỳ quốc gia nào tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại