Israel mạo hiểm, Mỹ lúng túng

GS.TS Phạm Quang Minh (nguyên Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV Hà Nội) |

Nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Palestine bắt nguồn từ lịch sử vùng đất này. Từ năm 1947, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) ra nghị quyết đầu tiên số 181 công nhận Jerusalem thuộc về người Do Thái và Ả rập. Nhưng sau đó, Israel tiến hành hai cuộc chiến tranh vào năm 1948 và 1967 để giành quyền kiểm soát toàn bộ Jerusalem.

Nhưng Jerusalem là một thánh địa của Cơ đốc giáo, Hồi giáo và những tôn giáo khác. Người Palestine phản đối và tiến hành những cuộc chiến để chống lại việc Israel chiếm đóng và kiểm soát toàn bộ vùng đất này. Năm 1993, có đến 136 quốc gia công nhận nhà nước Palestine, nhưng trên thực tế Israel vẫn kiểm soát Jerusalem. Đến năm 2017, Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, dường như đã công nhận chủ quyền của Israel đối với thành phố này. Cho đến nay, Jerusalem vẫn là nơi tranh chấp, mang tính chất chính trị và tôn giáo.

Nguyên nhân trực tiếp khiến xung đột lần này bùng lên là việc Israel trục xuất 70 người Palestine ra khỏi vùng đất Đông Jerusalem và ngăn cản người Palestine vào một đền thờ cổ để cầu nguyện trong những ngày cuối cùng của tháng lễ Ramadan. Lực lượng Hamas đã bắn tới 300 quả rốc-két vào Tel Aviv và Israel đã bắn trả. Số lượng người thương vong phía Palestine nhiều hơn vì Israel có thể chặn rốc-két của Hamas. Cuộc xung đột khiến thế giới lo lắng vì số lượng tên lửa được sử dụng quá nhiều và tàn sát nhiều dân thường, trong đó có nhiều trẻ em.

Hội đồng Bảo an LHQ đã lên tiếng kêu gọi các bên xuống thang. Tuy nhiên, thế giới vẫn chia rẽ về cuộc xung đột này, đặc biệt là Mỹ. Hội đồng Bảo an đã họp 2 phiên nhưng vẫn chưa ra được nghị quyết vì Mỹ vẫn nói không cần làm điều này.

Cuộc xung đột Israel - Palestine lần này diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Israel đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chính trị khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa thể ổn định chính phủ trong suốt 2 năm qua, vì thế ông dùng cuộc xung đột này để đánh lạc hướng dư luận trong nước và thể hiện quyền lực của mình. Còn Palestine đang rất cần sự ủng hộ của thế giới để có một nhà nước được công nhận rộng rãi. Tình hình quốc tế và trong nước của các bên đều đang trong thời điểm rất nhạy cảm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ nên vẫn đang cần sự ủng hộ của Israel trong các vấn đề an ninh ở khu vực Trung Đông, để Mỹ quay lại Thoả thuận hạt nhân Iran. Nhưng nếu ủng hộ Israel, ông Biden sẽ vấp phải sự phản ứng của quốc tế vì hành động của Israel khiến nhiều người dân Ảrập thiệt mạng. Ông Biden đang muốn đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo, hàn gắn lại quan hệ rạn nứt với các đồng minh. Sau 100 ngày dưới chính quyền mới, Mỹ đang dần quay trở lại, và có thể nói cuộc xung đột này là phép thử đối với Tổng thống Biden. Nếu ủng hộ Israel, Mỹ sẽ mất điểm với cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu ngược lại, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông là Israel. Vì vậy, ông Biden đang thể hiện sự lúng túng, không dám ngả về Israel, cũng không dám ủng hộ các nước Ảrập.

Nếu tình hình tiếp tục căng thẳng, dựa trên quan điểm của ông Biden về các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại nói chung của ông về gia tăng uy tín và vị thế của Mỹ, có lẽ Tổng thống Mỹ phải giảm ủng hộ Israel. Hành động trục xuất người Palestine, có kế hoạch triển khai quân ở Dải Gaza cho thấy chính phủ của ông Netanyahu đang đi những bước đi rất mạo hiểm. Các nước ở Trung Đông ủng hộ Palestine nhiều hơn trong xung đột này. Nếu tiếp tục căng thẳng, số dân thường, đặc biệt là trẻ em, thiệt mạng ở Palestine sẽ càng khiến sự ủng hộ đó tăng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại