Israel duy trì hiện diện ở hành lang Philadelphi, đàm phán Gaza gặp khó

Hồng Nhung |

Nội các Israel hôm qua nhất trí duy trì hiện diện quân sự dọc Hành lang Philadelphi - một trong những rào cản chính đối với các cuộc đàm phán về ngừng bắn ở Gaza. Quyết định của Israel được dự báo sẽ khiến tiến trình đàm phán lâm vào bế tắc và chiến sự ở Gaza vẫn chưa thể có hồi kết.

Chính phủ Israel đã bỏ phiếu ủng hộ việc duy trì sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Israel ở khu vực biên giới Gaza-Ai Cập bất chấp những tranh cãi trong nội bộ. Quyết định nhận được sự ủng hộ của 8 bộ trưởng trong nội các. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant bỏ phiếu chống trong khi Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir bỏ phiếu trắng.

Hành lang Philadelphi là một dải đất hẹp dài 14,5 km dọc theo biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập. Đây cũng là một phần của thỏa thuận tiềm năng giữa Israel với phong trào Hamas về việc thả con tin và ngừng bắn. Tuy nhiên, việc Israel có rút quân khỏi hành lang này hay không lại chính là một trong các điểm bế tắc của các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn đang diễn ra.

Quang cảnh tại Gaza sau các đợt giao tranh giữa Israel và Hamas. Ảnh: Reuters

Ai Cập, một trong những bên trung gian hòa giải quan trọng trong các nỗ lực thúc đẩy việc đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas tại Gaza, đã nhiều lần khẳng định lập trường không chấp nhận sự hiện diện của Israel tại cửa khẩu Rafah hay hành lang Philadelphi. Và các bên trong cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn cũng không ít lần kêu gọi Israel rút quân khỏi cửa khẩu Rafah, cửa khẩu duy nhất từ lãnh thổ Palestine không do Israel trực tiếp kiểm soát. Tuy nhiên, cho đến nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn kiên quyết duy trì quân đội nước này ở đây.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, Thủ tướng Israel khẳng định:"Sự thật đơn giản là cho đến thời điểm này, lực lượng Hamas vẫn chưa đồng ý với các điều khoản cơ bản nhất của bản phác thảo. Mặc dù chúng tôi chưa thêm một yêu mới nào khác, Hamas là bên yêu cầu song đã đưa vào hàng chục thay đổi. Họ không lùi bước trước yêu cầu rằng Israel không được phép quay lại chiến tranh, họ yêu cầu chúng tôi rút khỏi hành lang Philadelphi và cửa khẩu Rafah - tuyến đường huyết mạch cho phép họ tái vũ trang và một lần nữa phát triển mạnh hơn. Điều quan trọng là phải thiết lập nguyên tắc - chúng tôi sẽ không rời khỏi đó. Lực lượng Hamas cũng không muốn cho phép bất kỳ cơ chế nào kiểm tra và ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí và khủng bố đến phía bắc Dải Gaza. Họ làm tất cả những điều này vì họ muốn phục hồi và phục hồi và lặp lại vụ thảm sát ngày 7/10 năm ngoái".

Theo giới quan sát, quyết định của Israel sẽ khiến tiến trình đàm phán lâm vào bế tắc và chiến sự ở Gaza chưa thể có hồi kết. Ai Cập, cùng với Qatar và Mỹ, đã thực hiện vai trò trung gian hòa giải trong nhiều tháng nhằm đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 10 tháng tại Gaza. Tuy nhiên, vòng đàm phán mới nhất tại Cairo đã kết thúc vào ngày 26/8 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng, do các bên vẫn còn bất đồng về các điều kiện thỏa hiệp.

Liên quan đến tình hình bạo lực leo thang ở Bờ Tây, hôm qua (30/8), quân đội Israel đã tiến hành không kích nhằm vào thành phố Jenin, đánh dấu ngày thứ ba của chiến dịch quân sự quy mô lớn ở khu vực này.

Theo nguồn tin Palestine, kể từ ngày 28/8 vừa qua, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc đột kích vào các thành phố Jenin, Nablus, Tubas và Tulkarem ở Bờ Tây khiến ít nhất 19 người Palestine thiệt mạng. Các nguồn tin y tế của Palestine cho biết số người Palestine thiệt mạng ở Bờ Tây đã tăng lên ít nhất 667 người kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại