Israel bị loại khỏi kế hoạch chung của Mỹ và Saudi Arabia

Đông Phong |

Một thỏa thuận an ninh, công nghệ và kinh tế đang được thúc đẩy giữa Mỹ, Saudi Arabia mà sẽ không có sự tham gia của Israel.

 - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Axios trích dẫn các nguồn tin cho biết, kế hoạch thúc đẩy một thỏa thuận an ninh chung giữa Israel, Mỹ và Saudi Arabia đã bị ngừng lại và Nhà Trắng đang tìm kiếm một thỏa thuận riêng trước khi ông Biden rời nhiệm sở.

Theo nguồn tin này, một thỏa thuận an ninh tiềm năng giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ tách biệt với một thỏa thuận lớn có Israel.

Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Musaad bin Mohammed al-Aiban đã đến thăm Nhà Trắng vào tuần trước và gặp người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan, cũng như Ngoại trưởng Antony Blinken và các cố vấn của ông Joe Biden là Brett McGurk và Amos Hochstein.

Các cuộc đàm phán tập trung vào quan hệ song phương giữa hai nước và các bên đặt mục tiêu ký một gói thỏa thuận về an ninh, công nghệ và kinh tế trước tháng 1/2025.

Một trong những nguồn tin khẳng định với Axios, thỏa thuận an ninh được thảo luận tại cuộc họp sẽ tách biệt với nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy cái gọi là "thỏa thuận lớn" bao gồm việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia.

Trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, chính quyền Tổng thống Biden đã thúc đẩy thỏa thuận lớn này, trong đó cũng bao gồm một thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự.

Nhà Trắng tin rằng nếu thỏa thuận hạt nhân là một phần của một thỏa thuận rộng hơn, thì Thượng viện Mỹ có thể có nhiều khả năng phê chuẩn hơn, theo Axios cho biết.

Động thái thúc đẩy ký kết hiệp định an ninh với Riyadh của ông Biden cũng nhằm mục đích củng cố vị thế của Mỹ tại vùng Vịnh trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng trong khu vực.

Trong một tuyên bố gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẳng định rằng, ông mong muốn được theo đuổi các thỏa thuận hòa bình với các quốc gia Ả Rập.

Phát biểu trước quốc hội nước này (Knesset) vào cuối tháng 10, ông Netanyahu khẳng định, nỗ lực này sẽ được thúc đẩy sau khi Israel đạt được các mục tiêu quân sự ở Gaza và Lebanon.

Ông Netanyahu khẳng định, Israel sẽ tiếp tục các nỗ lực hòa bình trong khu vực “bằng cách ký kết Hiệp định Abraham lịch sử, nhằm đạt được hòa bình với các nước Ả Rập khác”.

Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian được công bố vào năm 2020 đã bình thường hóa quan hệ của Israel với Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Maroc.

Họ tìm cách thúc đẩy "mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia", chấm dứt "chủ nghĩa cực đoan" và "văn hóa hòa bình" thông qua "đối thoại liên tôn và liên văn hóa".

Kể từ đó, với sự hỗ trợ của Mỹ, Israel đã tìm cách mở rộng các thỏa thuận để bao gồm các quốc gia Trung Đông khác, đặc biệt là với Saudi Arabia.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9, Netanyahu cho biết "một thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel dường như đã gần hơn bao giờ hết" trước khi chiến tranh với Hamas nổ ra.

Tuy nhiên, Riyadh vốn sẵn sàng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Israel trước khi cuộc tấn công vào Gaza bắt đầu, hiện nay lại nhấn mạnh rằng bất kỳ hiệp ước ngoại giao nào cũng phụ thuộc vào việc Israel chấp nhận một nhà nước Palestine. Đây lại là một triển vọng đã bị chính phủ của ông Netanyahu bác bỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại