Iskander bất ngờ xuất hiện, HIMARS có đối thủ xứng tầm

Quang Hưng |

Cuộc đối đầu giữa vũ khí Nga và phương Tây đã lan sang tới Bắc Phi, khi Algeria ra mắt hệ thống Iskander nhằm so tài với hệ thống HIMARS của nước láng giềng Marocco.

Mới đây, Algeria đã lần đầu tiên giới thiệu hệ thống tên lửa Iskander trong quá trình chuẩn bị cho cuộc diễu hành quân sự sắp tới, nhằm kỷ niệm cuộc chiến tranh giành độc lập của quốc gia này. Từ những hình ảnh bị rò rỉ từ các buổi tập các chuyên gia quân sự đã khẳng định rằng, hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Algeria được mua từ Nga nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước và đã trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Algeria và Nga đã nhất trí với thương vụ mua bán hệ thống tên lửa Iskander cách đây vài năm, nhằm mục đích tăng cường sức mạnh quân sự và nâng cao năng lực phòng thủ cho quốc gia Bắc Phi này trước các mối đe dọa tiềm tàng.

Hệ thống tên lửa Iskander nổi tiếng về độ chính xác, có tầm bắn lên tới 500 km ở phiên bản dành cho Quân đội Nga. Trong khi phiên bản xuất khẩu, được gọi là Iskander-E, có tầm bắn hạn chế hơn, chỉ khoảng 280 km.

Algeria khoe Iskander, đáp trả HIMARS của nước láng giềng - Ảnh 1.

 

Tên lửa Iskander-E

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu trú đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương trong suốt chiều sâu chiến dịch và mọi điều kiện khí hậu thời tiết, đồng thời duy trì khả năng chiến đấu trước các loại vũ khí chế áp thông thường, vũ khí chính xác cao, vũ khí hạt nhân - sinh - hoá, vũ khí phòng chống tên lửa và tác chiến điện tử của đối phương.

Phiên bản xuất khẩu của Iskander vẫn được đánh giá là một hệ thống vũ khí nguy hiểm và đáng tin cậy khi tham chiến trên chiến trường. Nó có thể mang đầu đạn nổ nặng khoảng 480 kg, với các tùy chọn cho nhiều loại đầu đạn khác nhau như đầu đạn thông thường, đầu đạn nổ mạnh và thậm chí là đầu đạn phá boongke chuyên dụng.

Độ chính xác của Iskander-E cũng là một lợi thế đáng chú ý, với phạm vi sai số khi tấn công mục tiêu chỉ từ 5-7 mét. Mức độ chính xác này có được là nhờ các hệ thống dẫn đường quán tính tiên tiến được trang bị trên hệ thống, bằng cách sử dụng GPS hoặc hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga.

Tên lửa Iskander-E có thể đạt tốc độ lên tới Mach 7, kết hợp với khả năng cơ động cao, khiến các hệ thống phòng không khó có thể đánh chặn. Ngoài ra, thiết kế của Iskander-E rất linh hoạt, có thể triển khai trên các nền tảng di động, giúp đơn giản hóa việc vận chuyển và hoạt động trên nhiều môi trường chiến đấu khác nhau mà không cần cơ sở hạ tầng cố định. Tính cơ động này rất cần thiết, mang lại lợi thế chiến lược cho lực lượng sử dụng, cho phép hệ thống tên lửa di chuyển nhanh chóng và cơ động trên chiến trường.

Algeria khoe Iskander, đáp trả HIMARS của nước láng giềng - Ảnh 2.

 

Iskander-E cũng được bổ sung các công nghệ chống nhiễu điện tử, tăng cường khả năng ứng phó trong môi trường tác chiến điện tử thù địch. Khả năng này khiến Iskander-E trở nên cực kỳ có giá trị trong chiến tranh hiện đại, nơi chiến tranh điện tử ngày càng phổ biến.

Ý nghĩa đối với Algeria

Hệ thống Iskander-E đang là một tài sản có giá trị và được săn đón bởi nhiều quốc gia, với mong muốn tăng cường khả năng răn đe của mình bằng công nghệ tên lửa hiện đại, có độ chính xác cao và đã được chứng minh trong thực tế chiến đấu. Đối với Algeria, việc mua Iskander-E đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc củng cố thế trận phòng thủ của nước này.

Theo tờ báo Kommersant của Nga, vào năm 2018, Nga đã bắt đầu chuyển giao bốn trung đoàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander-E cho Algeria. Mỗi trung đoàn bao gồm 12 bệ phóng và khoảng 30 xe hỗ trợ, cho phép Algeria vận hành hệ thống hiệu quả với sự hỗ trợ hậu cần mạnh mẽ.

Algeria khoe Iskander, đáp trả HIMARS của nước láng giềng - Ảnh 3.

 

Việc Algeria mua lại hệ thống Iskander là một phần nỗ lực nhằm hiện đại hoá lực lượng quân sự của nước này, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Morocco. Quan hệ ngoại giao giữa Algeria và Morocco đã trở nên căng thẳng kể từ khi Algeria cắt đứt quan hệ vào năm 2021, với lý do Morocco ủng hộ các phong trào ly khai ở Kabylie.

Cả hai nước đã tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khi vẫn duy trì thế đối đầu căng thẳng. Trong đó Marocco đã mua hệ thống tên lửa M142 HIMARS từ phương Tây.

Với khả năng như vậy, một câu hỏi được đặt ra là việc Algeria mua lại Iskander-E có thể ảnh hưởng đến động lực an ninh ở Bắc Phi và xa hơn như thế nào? Với khả năng được tăng cường, Algeria có khả năng thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực, răn đe các thế lực thù địch và sẵn sàng đáp trả trước một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.

Quang Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại