iPhone mới ế hơn kỳ vọng, triển vọng xuất khẩu của châu Á bị đe dọa

Thu Hương |

Có lẽ người tiêu dùng trên khắp thế giới không còn vội vã nâng cấp chiếc điện thoại thông minh của mình như trước nữa, và điều đó khiến các nhà kinh tế học phải xem xét lại triển vọng của các nước xuất khẩu hàng đầu châu Á.

Sau khi số liệu đặt hàng iPhone 8, 8 Plus và iPhone X cho thấy phản ứng của khách hàng với những sản phẩm mới nhất của Apple không được như kỳ vọng, giá cổ phiếu của nhiều nhà cung ứng châu Á đã sụt giảm khá mạnh. Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại ở đó.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng các nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cũng sẽ bị ảnh hưởng trên diện rộng.

Và “hiệu ứng smartphone” yếu đi cũng không phải là lý do duy nhất khiến các chuyên gia kinh tế cho rằng 2017 chính là năm mà kim ngạch xuất khẩu của châu Á đạt đỉnh. Các mối đe dọa khác bao gồm kinh tế Trung Quốc được dự báo một lần nữa rơi vào trạng thái giảm tốc và NHTW các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Giống như chúng ta đang đi đến cuối chu kỳ tăng trưởng vậy”, Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của tập đoàn tài chính Nomura nói.

iPhone mới ế hơn kỳ vọng, triển vọng xuất khẩu của châu Á bị đe dọa  - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu của châu Á hồi phục. Nguồn: Bloomberg.

Theo số liệu của Morgan Staley, kim ngạch xuất khẩu của châu Á (tính theo USD) trong giai đoạn 8 tháng đầu năm đã ở mức cao nhất kể từ 2011. Đà tăng trưởng vững chắc hơn của kinh tế Trung Quốc và những hiệu ứng tích cực từ thị trường smartphone đã giúp khu vực này đi ngược lại những dự báo về chiến tranh thương mại, giảm phát và lực cầu ảm đạm.

Thay vào đó châu Á chứng kiến hoạt động xuất khẩu khởi sắc ở tất cả các mặt hàng, từ mỹ phẩm đến chip bán dẫn.

Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về ảnh hưởng của hoạt động sản xuất smartphone đến tình hình thương mại ở châu Á, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng tác động là khá lớn.

Hãy lấy Hàn Quốc làm ví dụ: kim ngạch xuất khẩu chip bán dẫn đã tăng tới 57% trong tháng 8, lên mức cao kỷ lục 8,8 tỷ USD nhờ sự kiện Apple ra mắt một loạt sản phẩm mới. Mặt hàng này chiếm khoảng 18,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8.

Có nhiều dấu hiệu khác cho thấy đà phục hồi trong hoạt động thương mại của châu Á đang bắt đầu suy giảm. Ở Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng trưởng 7,6% nhưng đã giảm xuống chỉ còn 5,6% trong tháng 8.

Nhập khẩu cũng suy yếu. Một số chuyên gia phân tích dự báo đà tăng trưởng ấn tượng của Hàn Quốc cũng sẽ suy giảm trong vài tháng tới, khi mà số liệu quá yếu của năm 2016 không còn là cơ sở so sánh.

Klaus Baader, chuyên gia kinh tế trưởng của Société Générale, cho rằng để vượt ra ngoài câu chuyện smartphone và Trung Quốc, xuất khẩu châu Á cần những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là về dòng vốn đầu tư vào ngành điện tử và phần mềm. “Các công ty điện tử ở châu Á còn rất nhiều thứ để buôn bán chứ không phải chỉ có iPhone”, ông nói.

Còn Hiroaki Muto, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, thì cho rằng hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản sẽ tiếp tục khỏe mạnh trong 6 tháng nữa nhưng có thể “gặp nguy” vào nửa cuối của năm 2018, khi lãi suất bắt đầu tăng.

Tổ chức thương mại thế giới WTO mới đây cảnh báo việc Mỹ và châu Âu cùng có dự định thắt chặt chính sách tiền tệ và động thái kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt hơn của Trung Quốc sẽ đè nặng lên triển vọng tăng trưởng hoạt động thương mại của châu Á trong năm 2018.

Những rủi ro địa chính trị như căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên hay tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn cũng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại