IOM: Tuyến đường bộ nguy hiểm nhất thế giới đối với người di cư nằm ngay trên biên giới Mỹ

Hữu Hiển |

Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc ghi nhận ít nhất 686 trường hợp tử vong và mất tích trong năm 2022 - năm kỷ lục về số ca tử vong ở châu Mỹ.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, biên giới Mỹ - Mexico là tuyến đường bộ nguy hiểm nhất thế giới đối với người di cư, với ít nhất 686 trường hợp tử vong và mất tích được ghi nhận vào năm ngoái.

IOM: Tuyến đường bộ nguy hiểm nhất thế giới đối với người di cư nằm ngay trên biên giới Mỹ - Ảnh 1.

Người di cư xin tị nạn ở Mỹ đứng trước bức tường biên giới với Mexico tại bang Arizona (Mỹ). Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố hôm 12/9, IOM cho biết, con số này - có thể là con số thấp do thiếu dữ liệu chính thức - chiếm gần một nửa trong số 1.457 trường hợp tử vong và mất tích của người di cư được ghi nhận trên khắp châu Mỹ vào năm 2022.

Năm ngoái đánh dấu là năm có nhiều người chết nhất trong khu vực kể từ năm 2014 - khi cơ quan của Liên Hợp Quốc này bắt đầu ghi nhận những trường hợp tử vong và mất tích do di cư.

Michele Klein Solomon - Giám đốc Khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribe của IOM - cho biết: "Những con số đáng báo động này là lời nhắc nhở rõ ràng về sự cần thiết phải có hành động quyết liệt của các quốc gia."

"Tăng cường thu thập dữ liệu là rất quan trọng. Cuối cùng, điều cần thiết là các quốc gia phải hành động dựa trên dữ liệu để đảm bảo [người di cư] có thể tiếp cận được các tuyến di cư an toàn, thường xuyên."

307 trường hợp tử vong tại biên giới Mỹ - Mexico vào năm 2022

Hàng trăm ngàn người di cư và người xin tị nạn đã đi trên những con đường dài và nguy hiểm qua Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mexico với hy vọng đến được biên giới Mỹ để xin bảo hộ.

Nhiều người đang chạy trốn bạo lực băng đảng tràn lan, nghèo đói, đàn áp chính trị và các cuộc khủng hoảng khác ở quê nhà.

Với số lượng người đến biên giới Mỹ kỷ lục kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra các hạn chế mới và các chương trình mới nhằm không khuyến khích mọi người cố gắng xin tị nạn tại biên giới nước này.

Điều đó bao gồm một quy định từ chối những người xin tị nạn tại Mỹ nếu họ không nộp đơn lần đầu ở các quốc gia mà họ đã đi qua trước đó trong hành trình của mình.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã mở trung tâm "di chuyển an toàn" ở Mỹ Latinh để cho phép những người xin tị nạn nộp đơn xin Mỹ bảo hộ tại các nước thứ ba thay vì tại biên giới với Mexico.

Nhưng những người di cư và những người xin tị nạn vẫn tiếp tục đến biên giới Mỹ - Mexico bất chấp các chương trình mới do lo ngại về an toàn trong khu vực và sự chậm trễ trong quá trình xử lý tị nạn.

Hôm 12/9, IOM báo cáo rằng, 307 trường hợp tử vong vào năm ngoái tại biên giới Mỹ - Mexico có liên quan đến việc cố gắng vượt qua sa mạc Sonoran và Chihuahuan.

Cơ quan này cho biết, trên khắp châu Mỹ, các tuyến đường di cư tại Caribe đã chứng kiến sự gia tăng "đáng lo ngại" về số người chết, với 350 người được ghi nhận vào năm ngoái so với 245 người vào năm 2021.

Hầu hết những người di cư thiệt mạng tại Caribe đến từ Cộng hòa Dominica, Haiti và Cuba.

IOM: Tuyến đường bộ nguy hiểm nhất thế giới đối với người di cư nằm ngay trên biên giới Mỹ - Ảnh 2.

Đoạn rừng rậm nguy hiểm giữa Panama và Colombia được gọi là Darien Gap - nơi đầy rẫy bạo lực và các mối nguy hiểm tự nhiên, bao gồm côn trùng, rắn và địa hình khó lường - cũng ghi nhận 141 trường hợp tử vong của người di cư vào năm ngoái. Ảnh: AP

IOM cho biết: "Tính chất xa xôi và nguy hiểm của khu vực này cũng như sự hiện diện của các băng nhóm tội phạm dọc tuyến đường có nghĩa là con số này có thể không phản ánh số người thiệt mạng thực tế."

Cơ quan này cho biết thêm, cuộc khảo sát đối với những người vượt qua Darien Gap cho thấy, cứ 25 người được hỏi thì có một người cho biết ai đó đi cùng với họ đã mất tích.

Gần 250.000 người di cư và người xin tị nạn đã vượt biên vào năm ngoái – gần gấp đôi số người đi theo con đường này vào năm 2021.

Marcelo Pisani - Giám đốc Khu vực Nam Mỹ của IOM - cho biết: "Việc chúng ta biết rất ít về những người di cư biến mất tại châu Mỹ là một thực tế nghiệt ngã.

Những tác động đối với những gia đình phải ở lại và không ngừng tìm kiếm người thân đã mất là rất sâu sắc."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại