Internet vạn vật - cửa ngõ mở giải bài toán chuỗi cung ứng

Nguyễn Minh Uyên |

HSBC kỳ vọng đại dịch Covid-19 sẽ là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đầu tư vào các công nghệ IoT, ứng phó với các cú sốc bên ngoài trong tương lai.

Doanh nghiệp sẽ là nhóm sử dụng IoT nhiều nhất

Cụ thể, theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (Global System for Mobile Communications - GSMA), tỉ lệ gia tăng trong nhóm doanh nghiệp chủ yếu đến từ các tòa nhà thông minh (ví dụ như chiếu sáng, hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HAVC), an ninh và tự động hóa) với 2,9 tỷ thiết bị IoT (Internet of Things - Internet vạn vật) mới đưa vào sử dụng.

Theo sau đó là doanh nghiệp thông minh (1,8 tỷ bao gồm quản lý đội phương tiện, kiểm kê tài sản, nông nghiệp, dầu mỏ & khí đốt, khai thác mỏ và xây dựng) và sản xuất thông minh (1,2 tỷ - theo dõi hàng tồn kho, giám sát và chẩn đoán, quản lý kho hàng).

Internet vạn vật - cửa ngõ mở giải bài toán chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Đến 2025, 1,8 tỷ thiết bị IoT sẽ được đưa vào sử dụng trong doanh nghiệp thông minh và sản xuất thông minh


Mặt khác, trong mảng tiêu dùng, nhà thông minh nhiều khả năng sẽ thúc đẩy ứng dụng IoT (1,9 tỷ), ví dụ như cơ sở hạ tầng mạng lưới nhà và thiết bị an ninh nhà cửa.

Sở dĩ có những con số dự báo này bởi, hai năm Covid thực sự đã trở thành “bàn đạp” cho IoT nói riêng và công nghệ số nói chung trở nên cần thiết hơn cho tất cả mọi người, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.

Đúng như HSBC bày tỏ: “Chúng tôi kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đầu tư vào các công nghệ IoT như một giải pháp để đảm bảo duy trình vận hành xuyên suốt trong tình huống xảy ra cú sốc bên ngoài trong tương lai”.

Theo đó, ứng dụng các giải pháp IoT có thể mang đến cho các doanh nghiệp tầm nhìn bao quát hơn trên toàn chuỗi cung ứng và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ trao đổi thông tin tức thời theo thời gian thực.

Cụ thể, đại dịch COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp cận những dự liệu như vậy. Khi nắm rõ hàng tồn kho nằm ở đâu, thời điểm nào hết linh kiện hoặc biết rõ vị trí chính xác của kiện hàng trong quá trình vận chuyển trên khắp thế giới tại bất kỳ thời điểm nào.

Như vậy, các doanh nghiệp có thể có cái nhìn tổng quan tốt hơn về chuỗi cung ứng và có thể ứng phó linh hoạt với các gián đoạn sản xuất và thương mại trong tương lai.

Áp dụng như thế nào để tối ưu hoá chuỗi cung ứng?

Theo Báo cáo Age of Cybersecurity, tháng 4/2021, tỉ lệ ứng dụng IoT trong các ngành đều ở mức cao, trên 91% doanh nghiệp sản xuất và 85% công ty trong lĩnh vực năng lượng đã ứng dụng IoT. Khoảng 90% doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề tham gia khảo sát đều coi công nghệ IoT là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp.

Mặt khác, động lực thúc đẩy các ngành ứng dụng IoT bao gồm duy trì chất lượng, đảm bảo công nghệ, tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu suất nhân công và cải thiện tình hình an toàn lao động.

Hơn nữa, quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và cải thiện yếu tố bền vững cũng là những lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp ứng dụng IoT.

Internet vạn vật - cửa ngõ mở giải bài toán chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

IoT giúp duy trì chất lượng, đảm bảo công nghệ, tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu suất nhân công và cải thiện tình hình an toàn lao động


Từ đó, sự phổ biến IoT ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp cùng với các bước tiến trong ứng dụng tự động hóa và cải thiện kết nối sẽ thúc đẩy phát triển trung tâm dữ liệu trong tương lai. 

Điều này được thể hiện rõ nhất qua 4 ứng dụng chính của IoT trong chuỗi cung ứng. 

Thứ nhất, sản xuất và bảo trì dự đoán. Các cảm biến IoT có thể hỗ trợ bảo trì dự đoán trên thiết bị nhà máy bằng cách giúp giảm thời gian máy ngưng hoạt động và từ đó giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Ví dụ, Senseye ước tính các doanh nghiệp trong nhóm Fortune 500 có thể mất khoảng 3,3 triệu giờ mỗi năm vì máy ngưng hoạt động ngoài kế hoạch, tương đương mức tổn thất khoảng 864 tỷ USD hoặc 8% doanh thu mỗi năm.

Thứ hai, vận chuyển và kho hàng và giám sát từ xa các kiện hàng trong quá trình vận chuyển. Ở hoạt động này, các công nghệ IoT có thể được triển khai để giám sát và điều chỉnh điều kiện khí hậu cho hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ trong quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ. 

Internet vạn vật - cửa ngõ mở giải bài toán chuỗi cung ứng - Ảnh 3.

IoT hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu giám sát từ xa các kiện hàng trong quá trình vận chuyển


Dẫn chứng thực tế, hệ thống quản lý container từ xa (Remote Container Management - RCM) của Maersk cho phép khách hàng theo dõi từ xa vị trí và điều kiện (như nhiệt độ và độ ẩm) của các container lạnh theo thời gian thực. Các điều kiện có thể được điều chỉnh từ xa nếu vượt qua các ngưỡng cụ thể, nhờ vậy giảm lượng hàng hóa thuộc nhóm khó bảo quản bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển cũng như thời gian kiểm tra container khi đến nơi.

Thứ ba, IoT có thể được dùng cho hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ. Theo đó, sử dụng cảm biến IoT có thể giúp các hãng sản xuất dược phẩm chủ động khoanh vùng những mắt xích yếu trong cả chuỗi cung ứng nơi nhiệt độ có thể thay đổi và đảm bảo những sản phẩm như vắc-xin được an toàn trong môi trường lạnh.

Internet vạn vật - cửa ngõ mở giải bài toán chuỗi cung ứng - Ảnh 4.

Mặt khác, sử dụng cảm biến IoT có thể giúp các hãng sản xuất đảm bảo sản phẩm như vắc-xin được an toàn trong môi trường lạnh


Thứ tư, quản lý và di chuyển hàng tồn kho. Trong mảng kho hàng, các công nghệ IoT có thể được dùng trong các phương tiện tự lái theo hướng dẫn (automated guided vehicles – AGV) để tính toán lộ trình ngắn nhất giữa các kệ hàng và bổ sung hàng mà không cần sự giám sát của con người, quản lý kho và hoàn thành đơn hàng. 

Thách thức là không nhỏ

Ngày nay, cơ hội mở ra từ ứng dụng IoT là vô tận. Tuy nhiên, các giải pháp IoT thế hệ mới sẽ đòi hỏi phải có sẵn thiết bị, hạ tầng phần cứng và hệ thống mạng đúng loại. 

Mặt khác, việc đảm bảo an ninh dữ liệu sẽ rất quan trọng trong ứng dụng công nghiệp IoT, trong khi đó, yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước nhằm hạn chế truyền dữ liệu xuyên biên giới còn chưa được đáp ứng cũng góp phần cản trở quá trình ứng dụng IoT và cần được giải quyết.

Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp hướng tới ứng dụng công nghệ IoT, các thiết bị và máy móc sẽ ngày càng kết nối nhiều hơn và các ứng dụng IoT trở nên phức tạp hơn, bản thân doanh nghiệp cũng cần tích cực xử lý các nguy cơ an ninh trên không gian mạng hơn. 

Internet vạn vật - cửa ngõ mở giải bài toán chuỗi cung ứng - Ảnh 5.

An ninh mạng là một trong những vấn đề lớn cần chú tâm khi doanh nghiệp ứng dụng IoT


Thực tế, một khảo sát của Trend Micro năm 2020 cho thấy trên 60% nhà sản xuất (ở Mỹ, Đức và Nhật Bản) từng gặp sự cố an ninh mạng xảy ra trong nhà máy thông minh, ba phần tư trong số đó trải qua tình trạng ngưng trệ hoạt động sản xuất vì những sự cố như vậy. 

Bên cạnh các nguy cơ an ninh mạng, những hạn chế đặt ra nhằm ngăn chặn tự do lưu thông dữ liệu xuyên biên giới cũng ảnh hưởng đến sự phổ biến của các công nghệ IoT. Ví dụ, một số quốc gia áp dụng hạn chế lưu trữ dữ liệu trong nước, theo đó dữ liệu phải được lưu trữ trong nước thay vì ở nước ngoài dẫn đến luồng dữ liệu truyền xuyên biên giới bị hạn chế.

IoT là thuật ngữ để chỉ việc sử dụng các thiết bị kết nối mạng internet để truyền tải tín hiệu thông qua mạng lưới riêng hoặc công cộng. Các doanh nghiệp có thể ứng dụng các công nghệ IoT để hệ thống vận hành hiệu quả hơn, an toàn hơn, đáng tin cậy hơn và năng suất hơn, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng công nghệ này cho mục đích theo dõi, kiểm tra và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày (như thiết bị theo dõi sức khỏe nhỏ gọn có thể đeo trên người, thiết bị đảm bảo an ninh nhà cửa, cảm biến điều chỉnh nhiệt độ, loa và tủ lạnh thông minh). Trong tương lai, IoT còn có thể hỗ trợ vận hành phương tiện hoàn toàn tự lái trong xã hội.

Đối với các ngành sản xuất, IoT công nghiệp (Industrial IoT – IIoT) có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống trong nhà máy thông minh và tối ưu hóa các chuỗi cung ứng nhờ tự động hóa các hoạt động sản xuất, cho phép quản lý hàng tồn kho từ xa và các vấn đề môi trường, hỗ trợ bảo trì từ xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại