Infographic: Sức mạnh xử lý của những cỗ máy đã thay đổi thần kỳ như thế nào trong 60 năm qua?

Kuroe |

Bạn có biết: Sức mạnh xử lý của chiếc máy tính AGC đã đưa 2 phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin lên mặt trăng chỉ tương đương với hai chiếc máy điện tử băng NES?

Ngày 20 tháng 7 năm 1969 đã đi vào lịch sử khi hàng triệu người chứng kiến hai phi hành gia dũng cảm là Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng.

Thế nhưng, ít người biết đến một người hùng thầm lặng khác góp phần tạo ra bước tiến lịch sử kể trên của nhân loại: chiếc máy tính chỉ dẫn Apollo (Apollo Guidance Computer - AGC).

Xét về sức mạnh xử lý, máy tính AGC chỉ tương đương với 2 chiếc máy điện tử băng NES mà thôi. Tuy nhiên, chiếc máy tính này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hướng dẫn con tàu vũ trụ để đưa hai phi hành gia của chúng ta lên tới Mặt Trăng, mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới trong lịch sử loài người.

Sức mạnh tiến tới vô hạn?

Nếu như 2 chiếc máy điện tử băng sở hữu sức mạnh có thể đưa con người lên tới mặt trăng, thì trong bối cảnh sức mạnh xử lý của máy tính tăng trưởng theo cấp số nhân như hiện tại, tiềm năng về những điều mà máy tính có thể hỗ trợ con người thực hiện ngày một lớn.

Infographic dưới đây được thực hiện bởi Experts Exchange, góp phần cho chúng ta thấy sức mạnh xử lý đã tăng trưởng cả nghìn tỷ lần trong khoảng thời gian 60 năm như thế nào:

Infographic: Sức mạnh xử lý của những cỗ máy đã thay đổi thần kỳ như thế nào trong 60 năm qua? - Ảnh 1.

Dung lượng càng to, nhưng ổ cứng ngày càng nhỏ

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, việc sản xuất những thiết bị lưu trữ dữ liệu là cả một sự kỳ công. Chẳng hạn như chiếc máy tính IBM 305 RAMAC, nặng gần 1 tấn, nhưng chỉ có dung lượng bộ nhớ 5MB mà thôi.

May mắn thay, với sự phát triển của công nghệ lưu trữ, những chiếc ổ cứng của chúng ta đã không còn sở hữu kích cỡ bằng cả một tòa nhà nữa. Hình ảnh dưới dây sẽ giúp chúng ta phần nào hình dung được sự thay đổi của các thiết bị lưu trữ trong suốt 60 năm qua:

Infographic: Sức mạnh xử lý của những cỗ máy đã thay đổi thần kỳ như thế nào trong 60 năm qua? - Ảnh 2.

Sức mạnh tính toán trong bối cảnh thực

Một trong những điều rất trực quan giúp chúng ta tưởng tượng được sức mạnh của những chiếc máy tính qua thời gian, chính là chất lượng đồ họa của trò chơi điện tử. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại sự thay đổi về mặt đồ họa của trò chơi khúc côn cầu, từ những hình ảnh 8 bit của Atari cho đến đồ họa "như thật" của tựa game Madden ở thời điểm hiện tại.

Infographic: Sức mạnh xử lý của những cỗ máy đã thay đổi thần kỳ như thế nào trong 60 năm qua? - Ảnh 3.

Hành trình từ những tựa game đồ họa đơn giản ngày xưa đến chất lượng đồ họa AAA như bây giờ gắn liền với sự phát triển của những cỗ máy chơi game. Danh sách dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về sức mạnh của những chiếc máy chơi game trong suốt chiều dài lịch sử, với những bước nhảy ngày một xa hơn giữa các thế hệ máy chơi game.

Infographic: Sức mạnh xử lý của những cỗ máy đã thay đổi thần kỳ như thế nào trong 60 năm qua? - Ảnh 4.

Và tương lai Exaflop của chúng ta

Mặc dù những cỗ máy tính đang gần chạm đến giới hạn về sức mạnh, nhưng những cỗ siêu máy tính thì không. Ở tầm cỡ Exaflop, những chiếc siêu máy tính sẽ có khả năng thực hiện hàng tỉ tỉ phép tính trên mỗi một giây.

Vậy thì con người cần những cỗ máy tính siêu mạnh như vậy để làm gì? Câu trả lời là để giải quyết những vấn đề thách thức vô cùng phức tạp mà con người phải đối mặt, thứ yêu cầu phải có một sức mạnh tính toán khủng khiếp hơn hiện tại rất nhiều.

Một vài ví dụ hết sức điển hình chính là các vấn đề về mô hình khí hậu, cũng như ngành khoa học phân tích cuộc sống của con người.

Và khi những cỗ siêu máy tính tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, xa hơn nữa, chúng ta sẽ đạt tới một cột mốc mới, với những chiếc máy tính mạnh mẽ và phức tạp chẳng kém gì não bộ con người.

Tham khảo Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại