Theo ông Ni Nyoman Tri Puspaningsih, chuyên gia phân tử sinh học từ Đại học Airlanggar, biến thể của virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy một tháng sau khi Indonesia có ca mắc Covid-19 đầu tiên (2/3/2020), trước khi chủng này được phát hiện tại Malaysia tháng 8 vừa qua.
Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Airlanggar đã thu thập được 30.000 mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân ở thành phố Surabaya và tiến hành giải trình tự gen toàn bộ. Kết quả về chủng đột biến sau đó được gửi tới tổ chức Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu bệnh cúm (GISAID) tháng 5 năm 2020.
Vào thời điểm đó, ông Puspaningsih đã cảnh báo các nhà nghiên cứu về sự đột biến của virus SARS-CoV-2 thành chủng D614G làm tốc độ virus lây lan nhanh hơn gấp 10 lần.
Ông nghi ngờ đây cũng chính là nguyên nhân khiến các ca mắc Covid-19 tại thành phố Surabaya ngày một tăng nhanh. Sau đó, đột biến D614G xuất hiện ở các thành phố Yogyakarta, Bandung, Tangerang và Jakarta.
Mặc dù là đơn vị gửi kết quả về chủng virus đột biến này cho GISAID đầu tiên, song thời điểm đó Indonesia chỉ đóng góp 33 trên tổng số 92.000 dữ liệu, mà trong đó chỉ có 8 đột biến D614G, trong khi đó Malaysia gửi tới 111 mẫu bệnh phẩm virus D614G.
Hiện nay, Indonesia tiếp tục tiến hành giải trình tự gen để theo dõi sự lây lan của virus ở Indonesia, xác định mục tiêu cho liệu pháp và vaccine, cũng như dự đoán mối đe dọa tiếp theo của đại dịch đối với quốc gia có số dân đông thứ 4 thế giới này.
Trong 3 ngày vừa qua, Indonesia liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia lên thành 174.796 ca mắc, trong đó có 7.417 người đã tử vong./.