Indonesia vẫn theo đuổi kế hoạch dời thủ đô dù gặp khó khăn do dịch Covid-19

Võ Giang |

Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố vẫn theo đuổi kế hoạch di dời thủ đô Jakarta ở đảo Java sang miền Đông Kalimantan.

Quy hoạch Thủ đô mới của Indonesia. Nguồn: Bộ Nhà ở và Công trình Công cộng Indonesia

Quy hoạch Thủ đô mới của Indonesia. Nguồn: Bộ Nhà ở và Công trình Công cộng Indonesia

Phát biểu trong khi kiểm tra tuyến đường mới kết nối giữa hai thành phố lớn nhất tỉnh Đông Kalimantan vào tuần này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định, chính phủ Indonesia vẫn đang xúc tiến “siêu dự án dời đô” đến đảo Kalimantan trị giá 32 tỷ USD. Theo Tổng thống Widodo, để xây dựng một thủ đô mới hoàn hảo thì điều quan trọng nhất là cần có cơ sở hạ tầng kết nối với khu vực phân phối hậu cần, chuỗi cung ứng. Hiện chính phủ Indonesia đang xem xét địa điểm xây dựng sân bay, hải cảng ở thủ đô mới.

Hồi tháng 8/2019, Tổng thống Indonesia đã ra quyết định dời thủ đô trong bối cảnh Jakarta đã trở nên quá tải và chìm dần vào nước biển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch từng bị trì hoãn để chính phủ chuyển trọng tâm sang xử lý dịch Covid-19. Sự trì hoãn này làm dấy lên những nghi ngại về khả năng dự án dời thủ đô liệu có tiến triển trước khi Tổng thống Joko Widodo kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2024 hay không.

Hôm qua (25/8), Tổng thống Joko Widodo đã họp với những người đứng đầu các đảng phái trong liên minh cầm quyền để thảo luận về Dự luật Thành phố thủ đô Quốc gia. Thời điểm bổ sung, đệ trình Dự luật này lên Hạ viện có thể được điều chỉnh do dịch Covid-19. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, Chủ tịch đảng Phong trào Đại Indonesia và là ứng viên tiềm năng cho cuộc đua vị trí Tổng thống năm 2024, đã lên tiếng ủng hộ dự án dời đô của chính quyền Tổng thống Widodo và cho rằng đây là một kế hoạch dũng cảm, mang tính chiến lược cần được tiếp tục.

Việc di dời thủ đô của Indonesia càng trở nên cấp bách sau những đánh giá khá “bi quan” về thủ đô Jakarta hiện tại. Hồi tháng 6 năm nay, tổ chức Môi trường “Hòa bình Xanh” Indonesia đưa ra một báo cáo cảnh báo Jakarta đối mặt với “mối đe dọa kép” từ cả sự dâng lên của nước biển lẫn sụt lún đất, hệ quả là 17% diện tích đất của Jakarta có thể ở dưới mực nước biển vào năm 2030 và 95% diện tích chìm xuống biển vào năm 2050.

Trong khi đó, một số kiến trúc sư xếp Jakarta vào danh sách thành phố có quy hoạch đô thị kém nhất thế giới và khó có thể sửa chữa. Thành phố đông dân nhất Đông Nam Á với dân số hơn 10 triệu người này thường xuyên xảy ra tắc đường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế hơn 7 tỷ USD mỗi năm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại