Indonesia nói không với Trung Quốc về đàm phán chuyện biển Đông

P.Võ |

Indonesia hôm 5-6 bác bỏ đề nghị đàm phán của Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông sau khi nhấn mạnh Jakarta không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Bắc Kinh tại vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trong lá thư gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm 2-6, chính phủ Trung Quốc thừa nhận không có tranh chấp lãnh thổ với Indonesia nhưng cho rằng 2 nước có tuyên bố chồng lấn đối với quyền hàng hải tại một số khu vực ở biển Đông.

Lá thư cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề trên thông qua thương thảo và tham vấn với indonesia.

Lá thư của Bắc Kinh nhằm phản ứng công hàm được chính phủ Indonesia gửi đến ông Guterres hôm 26-5, theo đó Jakarta nhắc lại yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Đáp lại nội dung lá thư trên của Trung Quốc, ông Damos Dumoli Agusman, quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia, cho rằng dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Indonesia không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền chồng lấn nào đối với Trung Quốc nên không cần phải tiến hành đối thoại về vấn đề phân định ranh giới trên biển.

Ông Damos có ý nhắc đến tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia hồi tháng 1-2020, trong đó khẳng đinh không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông dựa theo UNCLOS 1982.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi hôm 4-6 chỉ trích yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông gây nguy hại cho lợi ích kinh tế của Indonesia.

"Các yêu sách của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Chính phủ Indonesia luôn kiên định với quan điểm này"- bà Marsudi nhấn mạnh khi nói đến công hàm được Indonesia gửi đến Liên Hiệp Quốc gần đây.

Vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natuna của Indonesia chồng lấn với "đường chín đoạn" của Bắc Kinh và tàu cá Trung Quốc thường xuyên hoạt động tại khu vực này, khiến quan hệ hai nước ít nhiều trở nên căng thẳng.

Ông I Made Andi Arsana, chuyên gia tại Trường ĐH Gadjah Mada (Indonesia) nhận định đề nghị thương thảo của Trung Quốc là phi lý bởi tuyên bố chủ quyền của Jakarta dựa trên luật pháp quốc tế trong khi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh mang tính đơn phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại