Theo giám đốc điều hành của Bulog, Bayu Krisnamurthi, tính đến ngày 30 tháng 8, Bulog đã ký hợp đồng nhập khẩu 2,7 triệu tấn gạo trong hạn ngạch được phân bổ cho năm nay (là 3,6 triệu tấn).
Giá gạo tại Indonesia năm nay vẫn không ngừng tăng do chênh lệch cung cầu. Giá gạo ở thời điểm tháng 6/2024 cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng 7/2024, Tổng Thư ký Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia, Sarwo Edh, cho biết nước này có thể nhập khẩu tới 4,3 triệu tấn gạo trong năm nay nếu vụ thu hoạch trong nước không đủ. Ông cũng cho biết bất kỳ đợt nhập khẩu bổ sung nào cũng chỉ cần thiết nếu vụ thu hoạch bị gián đoạn do hạn hán, lũ lụt hoặc sâu bệnh.
"Chúng tôi muốn nhập khẩu thêm 900.000 tấn. Chúng tôi đang cố gắng ký hợp đồng và giao nhận hàng trong năm nay", ông Bayu cho biết.
Các nguồn cung cấp gạo cho thị trường Đông Nam Á này trong năm nay bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia.
Theo dữ liệu từ cục thống kê Indonesia, sản lượng gạo nước này trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2024 ước tính đạt 26,9 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tượng thời tiết El Nino diễn ra trong năm ngoái đã làm giảm lượng mưa, gây ra sự chậm trễ trong chu kỳ canh tác mới và làm giảm sản lượng lúa gạo – loại lương thực chính của hầu hết 275 triệu người dân Indonesia. "Sản lượng lúa của chúng tôi đang chịu áp lực, chúng tôi cần phải có các biện pháp bổ sung cho sản xuất", ông Bayu cho biết.
Cơ quan địa vật lý của Indonesia dự kiến mùa khô năm nay sẽ diễn ra cho đến tháng 10 và điều này có thể làm chậm trễ 1 tháng việc gieo cấy lúa.