Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bogor, Indonesia, ngày 14/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN dẫn phát biểu của Bộ trưởng Budi tại phiên điều trần hôm 18/1 trước Hạ viện Indonesia cho hay cách tiêm trộn nói trên đã được nghiên cứu tại các quốc gia khác. Theo đó, kháng thể được hình thành từ việc tiêm trộn sẽ phong phú hơn loại được hình thành từ việc tiêm cùng loại.
Theo ông Budi, Mỹ đã nghiên cứu và triển khai mũi tiêm tăng cường bằng nửa liều vaccine Moderna. Bộ trưởng Y tế Indonesia giải thích: “Vaccine Moderna có tỷ lệ tác dụng phụ cao. Do đó, chúng tôi cho rằng việc tiêm tăng cường bằng một nửa liều vaccine này sẽ an toàn hơn nhiều”.
Ông Budi cho biết thêm rằng quyết định tiêm tăng cường bằng nửa liều vaccine khác loại cũng đã được đưa ra dựa trên các khuyến nghị của Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng Indonesia (ITAGI) và một nhóm giáo sư thuộc Đại học Padjadjaran và Đại học Indonesia. Các khuyến nghị này đã được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (BPOM) chấp thuận.
Bộ trưởng Y tế Indonesia cho hay tính trung bình, mức độ kháng thể từ việc tiêm vaccine mũi thứ nhất và mũi thứ hai là khoảng 100-200. Sau khi được tiêm nửa liều vaccine tăng cường, kháng thể sẽ tăng lên mức 7.500-8.000. Trong khi đó, nếu tiêm đủ liều, lượng kháng thể sẽ tăng lên mức 8.000-8.500.
Ông Budi khẳng định: “Vì vậy, ngay cả khi sử dụng đủ liều để tiêm tăng cường, sự chênh lệch cũng không quá đáng kể”, đồng thời nhấn mạnh việc tiêm tăng cường bằng nửa liều vaccine khác loại cũng giúp giảm bớt công việc cho các nhân viên tiêm chủng trong quá trình chuẩn bị vaccine.
Trước đó, BPOM đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho các loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh-Thụy Điển), Sinovac và Zifivax (Trung Quốc) trong chương trình tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 được khởi động vào ngày 12/1 vừa qua.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Indonesia, những người đã được tiêm mũi thứ nhất và mũi thứ hai bằng vaccine Sinovac có thể lựa chọn 4 loại vaccine để tiêm tăng cường gồm Sinovac (đủ liều), Pfizer (nửa liều), AstraZeneca (đủ liều) hoặc Zifivax (đủ liều).
Những người đã được tiêm mũi một và mũi hai bằng vaccine Pfizer có thể tiếp tục lựa chọn vaccine Pfizer (nửa liều), AstraZeneca (đủ liều) hoặc Moderna (nửa liều) để tiêm tăng cường. Những người đã được tiêm 2 liều vaccine AstraZeneca có thể lựa chọn vaccine này (đủ liều), Pfizer (nửa liều) hoặc Moderna (nửa liều) để tiêm tăng cường.
Những người đã được tiêm 2 liều vaccine Moderna sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này để tiêm nhắc lại với một nửa liều. Những người đã được tiêm 2 liều vaccine Johnson & Johnson sẽ được tiêm tăng cường bằng vaccine Moderna (nửa liều), trong khi những người đã được tiêm 2 liều vaccine Sinopharm sẽ được tiêm tăng cường bằng vaccine Zifivax (đủ liều).