Nhiều tổ chức nghiên cứu chuyên gia đã bắt đầu báo cáo rằng các công ty đang rời khỏi Trung Quốc đại lục. Đại dịch Covid-19 không phải là lý do duy nhất nhưng nó chắc chắn đã thúc đẩy xu hướng dịch chuyển bắt đầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo báo cáo của Qima, một công ty kiểm tra chất lượng và kiểm soát chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hong Kong, đã có sự gia tăng đột ngột về nhu cầu kiểm tra và kiểm toán của các khách hàng Bắc Mỹ và châu Âu ở Đông Nam Á và Nam Á.
Các báo cáo kiểm tra và kiểm toán như vậy được sử dụng để di chuyển đến các khu vực mới. Qima báo cáo có 45% nhu cầu đối với Đông Nam Á (Việt Nam, Myanmar và Philippines dẫn đầu), và 52% ở Nam Á, nơi Bangladesh vẫn là điểm đến số 1 của các thương hiệu dệt may.
Sự gia tăng nhu cầu này đã thể hiện rõ trong tháng 1 và tháng 2, khi Trung Quốc đang bị khóa vì Covid-19.
Qima chỉ ra, đầu tiên, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng tại Trung Quốc vào tháng 3, ngành sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phục hồi này đã suy yếu trở lại, giảm 19% khi các khách hàng ở châu Âu và Mỹ bắt đầu rơi vào vòng nguy hiểm của đại dịch.
Thứ hai và quan trọng hơn, trong cuộc thăm dò của Qima với hơn 200 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu, 87% số người được hỏi cho biết đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn 50% lưu ý rằng họ đã bắt đầu chuyển sang các nhà cung cấp ở các khu vực không bị ảnh hưởng.
Tâm lý thay đổi này đồng nhất với xu hướng "tiền Covid-19", xuất hiện từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Và sự di dời dường như sẽ còn kéo dài, ngay cả trong trường hợp nếu Tổng thống Donald Trump không tái đắc cử vào tháng 11. Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng quá cao và khó có thể "nguội" đi nhanh chóng.
Xu hướng đa phương hóa đã làm dấy lên hy vọng ở Ấn Độ. Quốc gia này hy vọng rằng họ có thể thu hút nhiều doanh nghiệp do nhờ vào thị trường mở cửa. Tháng 5 vừa qua, Ấn Độ đã chỉ định một quỹ đất rộng 4,62 ha để thu hút các doanh nghiệp từ Trung Quốc. Khoảng 1.000 công ty Mỹ đã được tiếp cận với các ưu đãi cho việc chuyển các nhà máy sản xuất của họ sang Ấn Độ.
Song, theo nghiên cứu của tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura, điểm đến của các công ty này vẫn là ở Đông và Đông Nam Á. Nomura nhận thấy 56 công ty chuyển căn cứ từ Trung Quốc đại lục vào năm 2018-19, Việt Nam đón được 26 công ty. Đài Loan đón 11 và Thái Lan đón 8. Chỉ có 3 công ty đến Ấn Độ.
Qima nhấn mạnh rằng các công ty đang tìm kiếm những điểm đến "an toàn hơn" trong thời kỳ hậu Covid-19, cũng có nghĩa là họ sẽ lựa chọn các quốc gia đã quản lý đại dịch coronavirus tốt hơn.
Việt Nam, tình cờ, đã nổi lên như một quốc gia kiểu mẫu trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Việt Nam chỉ báo cáo hơn 300 trường hợp Covid-19 không có ca tử vong. Đối với một đất nước có dân số gần 100 triệu người, đây là một thành tích đáng khen ngợi. Tại Ấn Độ, Tây Bengal có dân số tương đương và đã báo cáo 8.613 trường hợp, với hơn 400 trường hợp tử vong.
Để biến mình thành một điểm đến hấp dẫn hơn, Việt Nam đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu, loại bỏ 85% thuế quan của EU đối với hàng xuất khẩu sản xuất tại Việt Nam và loại bỏ thuế nhập khẩu cho các nước châu Âu.
Điều này giải thích tại sao Ấn Độ không phải là điểm đến ưa thích của các công ty đang hoặc có kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc. Tiếp cận thị trường lớn của Ấn Độ không phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với họ, ngay cả khi Ấn Độ được coi là đối thủ với Trung Quốc.