Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 15/10/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới ( IMF /WB) năm 2020, Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (APD) - IMF đã tổ chức cuộc họp trực tuyến công bố những đánh giá và dự báo mới nhất của IMF đối với triển vọng kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2020-2021.
Cuộc họp trực tuyến của Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (APD) – IMF
Theo IMF, Châu Á đã đạt những kết quả khả quan trong quá trình ngăn chặn đại dịch Covid-19. Nhiều nước trong khu vực dần đang dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp phong tỏa kinh tế, cách ly, giãn cách xã hội nhưng tốc độ triển khai không đồng đều giữa các nước.
Tuy vậy, một số nước đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai và tăng cường trở lại các biện pháp giới hạn hoạt động.
Hoạt động kinh tế khu vực Châu Á đang chứng kiến sự phục hồi, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Trong các tháng 7 và 8/2020, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất toàn khu vực tăng từ 50 điểm lên mức 52 điểm, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tăng từ 46 lên mức 47 điểm.
Với việc tốc độ vượt thoát khủng hoảng Covid-19 không giống nhau giữa các nước, IMF dự báo năm 2020, kinh tế Châu Á giảm 2,2%, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay, lớn hơn mức giảm 1,6% được đưa ra trong tháng 6/2020.
Kinh tế Ấn Độ được dự báo suy giảm mạnh nhất với mức giảm 10,3% trong năm 2020, lớn hơn nhiều mức giảm 4,5% được dự báo trước đó. Trái ngược với Ấn Độ, kinh tế Trung Quốc dự kiến đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, cao hơn mức dự báo 1% đưa ra hồi tháng 6/2020.
Năm 2020, Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo giảm lần lượt 5,3% và 1,9%.
Khu vực ASEAN-5 được dự báo giảm 3,4%, lớn hơn mức giảm 2% trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế cập nhật tháng 6/2020; trong đó, kinh tế Philippines dự kiến suy giảm nặng nề nhất với mức giảm 8,3%.
Như báo cáo đưa ra trước đó, tại cuộc họp trực tuyến nói trên, đại diện IMF nhấn mạnh đến dự báo về quy mô GDP của các nước trong khu vực, trong đó có thay đổi đáng chú ý về thứ hạng của Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện IMF đề cập đến sự khác biệt trong tốc độ vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19 khác nhau giữa các quốc gia, cũng như trên cơ sở cập nhật số liệu GDP điều chỉnh và kinh tế tăng trưởng dương, IMF dự báo năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam sẽ lớn hơn Singapore và Malaysia, đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Trong báo cáo công bố trước đó, IMF dự báo cụ thể quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ ở mức 340,6 tỷ USD, trong khi Singapore 337,4 tỷ USD, Malaysia 336,3 tỷ USD...
Bước sang năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực quay đầu phục hồi, đạt mức 6,9%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2020.
Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ được dự báo tăng trưởng ở mức 8,2% và 8,8%. Nhật Bản, Hàn Quốc dự kiến tăng trưởng ở mức 2,3% và 2,9% trong năm 2021. Khu vực ASEAN-5 được dự báo phục hồi mạnh mẽ, tăng 6,2%; Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,7% trong năm 2021.
Theo IMF, các chính sách hỗ trợ quy mô lớn cả về tài khóa và tiền tệ đã giúp cải thiện triển vọng kinh tế trong khu vực, tuy nhiên vẫn chưa rõ các chính sách hỗ trợ sẽ kéo dài trong bao lâu.
Đồng thời, triển vọng kinh tế khu vực vẫn phải đối mặt với rủi ro, thách thức đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, thị trường việc làm khó khăn do tác động của đại dịch tới lĩnh vực du lịch trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch, tình hình tài chính của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi tỷ lệ vay nợ ở mức cao, và nợ công tăng.