Dự báo
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, lần thứ trong 9 tháng, đã cảnh báo một bức tranh ảm đạm về tăng trường kinh tế toàn cầu. Các dấu hiệu cảnh báo đang âm ỉ chực chờ thời điểm châm ngòi cho một hiệu ứng suy thoái hàng loạt. Tuy nhiên, ánh sáng vẫn le lói đâu đó nơi cuối đường hầm khi tăng trưởng được dự báo vẫn tiếp tục diễn ra vào năm 2020, trừ khi có những "sai lầm trong chính sách" ngáng đường.
IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2019 xuống còn 3,3%, từ mức 3,5%.
2 năm trước, 75% nền kinh tế toàn cầu hồ hởi trên đà phát triển. Hãy nhìn con số gần đây, một sự đảo ngược tình thế cho thấy sự mong manh của bong bóng kinh tế khi 70% chứng kiến sự suy giảm.
Năm 2020, có lẽ câu chuyện sẽ khác đi khi mức tăng trưởng có thể tăng nhẹ ở mức 3,6%. Không may, điều này thật bấp bênh. Sự phục hồi là có thể, nhưng phải dựa vào sự biến chuyển tại Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và các nền kinh tế thị trường mới nổi khác vốn vô cùng nhạy cảm trước những yếu tố ngoại vi.
Nguyên nhân sụt giảm
Từ Hoa Kỳ
Sở dĩ có sự điều chỉnh trên, một phần bởi sản lượng toàn cầu đang trên đà sụt giảm trong thời gian gần đây, vốn là hậu quả của một cuộc chạy đua bề nổi trong cuộc chiến xuất – nhập khẩu trong năm 2018 trước sức ép thuế quan do Hoa Kỳ khởi xướng.
Donald Trump, không nằm ngoài dự đoán, là một "tác nhân". Tổng thống gần đây có động thái rút lại mối đe dọa áp đặt thuế quan tự động đối với một số quốc gia, nhưng bảo toàn quan điểm áp đặt hàng rào thuế quan như một đòn bẩy để Mexico có động thái rõ ràng hơn trong việc giữ chân những người di cư Trung Mĩ tránh xa khỏi khu vực biên giới Hoa Kỳ.
Không thể không kể đến cuộc chia rẽ địa chính trị công nhiên Mỹ - Trung trong thế giới lưỡng cực cũng góp phần cộng hưởng làm giảm kỳ vọng dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn trên thế giới.
IMF đưa ra lời khuyên hãy kiên nhẫn trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mĩ phát tín hiệu sẽ ngừng tăng lãi suất cho đến hết năm 2019.
Từ châu Âu
Đầu tàu của Châu Âu – Đức, trong vài tháng qua, được dự báo sẽ hứng chịu tổn hại khi mức dự báo giảm một nửa, xuất phát từ sự yếu kém trong ngành sản xuất ô tô. Chịu chung số phận với Đức, Ý đang phải gồng mình đối chọi với hàng loạt tin xấu khi mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 giảm xuống mức đáng báo động, chỉ còn 0,2%, từ mức 1%.
Không ngạc nhiên, Anh, trong bối cảnh hỗn loạn bởi Brexit, được dự báo với tương lai không mấy tốt đẹp nếu London "thất thủ" mà không có thỏa thuận nào.
Từ châu Á
Con hổ trong thế giới lưỡng cực Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế khi đạt mức tăng trưởng - lần lượt là 6,3% và 7,3%. Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích tài khóa để chống lại cú đánh từ cuộc đối đầu với Mỹ cũng như việc kiềm chế sự bùng nổ trong cho vay để "miễn dịch" với suy thoái.
Các dấu hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh và Washington đang thiết kế một thỏa thuận thương mại để xoa dịu một số căng thẳng trên thị trường tài chính, nhưng không ai chắc chắn được một giải pháp có được đưa ra hay không.
Sự tăng trưởng của hai nền kinh tế này là nhân tố chính sẽ thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu sau năm 2020, trong khi thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng chỉ dưới 5% trong trung hạn.
IMF không đưa ra một cảnh báo về một cuộc đại suy thoái, nhưng trước mắt hẳn là một con đường không ít chông gai. Sau cột mốc năm 2020, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 3,5%, được hỗ trợ chủ yếu bởi tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ và tầm ảnh hưởng của hai nước này đối với thu nhập toàn cầu.