Giáo sư Jean Twenge thuộc Đại học San Diego (Mỹ) vừa giới thiệu thuật ngữ "iGen" để chỉ một thế hệ trẻ không hạnh phúc và thụ động sinh trưởng trong kỷ nguyên mà điện thoại di động và mạng xã hội là những thứ gắn liền với cuộc sống hàng ngày.
iGen là thuật ngữ mà Giáo sư Twenge dùng để chỉ thế hệ trẻ sinh từ năm 1995 đổ về sau. Đây là thế hệ đầu tiên mà toàn bộ giai đoạn trưởng thành nằm trong kỷ nguyên bùng nổ điện thoại thông minh và công nghệ.
Nhờ những sáng tạo và đổi mới không ngừng, điện thoại thông minh trở thành công cụ không thể thiếu, khiến giới trẻ dành ngày càng nhiều thời gian hơn để lướt mạng, vào mạng xã hội hay chơi trò chơi điện tử.
Đồng nghĩa với việc thời gian dành cho những hoạt động không gắn liền với màn hình như đọc sách, ngủ hay tương tác trực diện với bạn bè ngày càng hiếm hoi hơn.
Với một không gian như vậy, trẻ thực sự trưởng thành chậm hơn rất nhiều. Ở tuổi 18, chúng có ít khả năng sở hữu cho mình một tấm bằng lái xe, làm một công việc được trả lương, đi hẹn hò, uống rượu hoặc ra ngoài mà không cần cha mẹ kè kè bên cạnh so với những thế hệ trước đó.
Vì vậy, iGen được đánh giá là thế hệ an toàn nhất trong lịch sử và họ thích cảm giác an toàn đó.
Tuy nhiên, họ vẫn cảm nhận được những điều mà thế hệ của họ đang bỏ lỡ. Họ nhận ra rằng dành toàn bộ thời gian để lướt điện thoại có thể không phải là cách sống tốt nhất. Họ cũng không thích khi bạn bè họ chăm chăm nhìn vào điện thoại khi đang nói chuyện với nhau. Rất nhiều người trong số này cũng có nhận thức rằng cần phải hạn chế kiểu sống phụ thuộc vào điện thoại.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Twenge, giai đoạn từ 2011 tới 2012 đã chứng kiến những thay đổi đột ngột ở lứa tuổi "teen" như rất nhiều trong số chúng cảm thấy cô đơn hoặc bị bỏ rơi, chúng không thể làm điều gì đúng đắn hay nghĩ rằng mình có một cuộc sống vô dụng. Đây đều là những biểu hiện trầm cảm.
Chỉ trong vòng 5 năm, các triệu chứng trầm cảm tăng tới 60% cùng với đó là tỷ lệ tự làm tổn thương bản thân cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 ở nữ giới. Tỷ lệ trẻ vị thành niên tự tử cũng tăng gấp đôi chỉ trong vài năm.
Cũng theo quan sát của ông, những vấn đề sức khỏe này bắt đầu nổi lên trùng với khoảng thời gian điện thoại thông minh trở nên thông dụng. Việc trẻ sử dụng thời gian ra sao cũng là nền tảng định hình sức khỏe tinh thần của chúng.
Các nghiên cứu từ nhiều thập kỷ qua đều đã chỉ ra việc ngủ đủ giấc và gặp gỡ, giao lưu bạn bè là những hoạt động rất hữu ích cho sức khỏe tinh thần trong khi việc dán mắt vào màn hình điện thoại trong nhiều giờ lại cho kết quả ngược lại.
Hiện nay có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và cảm giác hạnh phúc của mỗi người, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính họ.
Ông cho rằng dù chúng ta không thể thay đổi hệ gien hay giải quyết nghèo đói chỉ trong một đêm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát cách sử dụng thời gian rảnh rỗi và vì vậy chúng ta cũng có thể giúp con cái mình làm điều tương tự.
Nghiên cứu của giáo sư chỉ ra nên giới hạn việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong vòng 2 giờ/ ngày hoặc ít hơn.
Đây là con số mà Giáo sư Twenge cho là sẽ rất tốt cho việc nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần và sự vui vẻ ở trẻ vị thành niên, độ tuổi từ 13 đến 18. Mạng xã hội phát huy tối đa tác dụng khi được sử dụng để giữ liên lạc với bạn bè, lên kế hoạch, xem video giải trí với giới hạn trong vòng 2 giờ mỗi ngày.
Chuyên gia này cũng cho rằng nếu cần trang bị cho con cái một chiếc điện thoại để giữ liên lạc trên đường từ nhà tới trường và ngược lại, các vị phụ huynh hãy mua cho con một chiếc điện thoại "cùi bắp," không kết nổi Internet, không ứng dụng giải trí thông minh.
Giáo sư Twenge là tác giả của các cuốn sách về thế hệ trẻ thời đại mới như "iGen ' và "Generation Me"./.