Ì ạch giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân
T ại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà tại các KCN-KCX theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính quyền địa phương thờ ơ
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay cơ quan BHXH đã xác nhận cho 3,14 triệu người lao động (NLĐ) để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. UBND cấp tỉnh, huyện tại 51/63 địa phương đã phê duyệt hồ sơ của 17.356 doanh nghiệp (DN) với gần 1,2 triệu NLĐ (tương đương 1/3 tổng số hồ sơ), kinh phí hỗ trợ đạt trên 760 tỉ đồng. Có 31 địa phương đã giải ngân hỗ trợ 356 tỉ đồng cho trên 620.000 lao động (mới chỉ được 5,4% so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ). Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiều NLĐ hiện nay là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Long An.
Công nhân Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (TP HCM) đã được hỗ trợ 1 tháng tiền thuê nhà Ảnh: MAI CHI
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng dù Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ nhưng thực tế tính đến ngày 2-8, vẫn còn 29 địa phương chưa giải ngân được đồng nào cho NLĐ. Nhiều địa phương "khoán trắng" cho cấp dưới, khoán cho DN, trong khi một số địa phương khác lại buộc bổ sung giấy tờ không có trong quy định như đòi hỏi hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lý do việc hỗ trợ chậm là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ; người sử dụng lao động (NSDLĐ), chủ cơ sở cho thuê, cho trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho NLĐ; bản thân NLĐ chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.
Hiện Bộ LĐ-TB-XH đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng ý nghĩa của chính sách này... Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh khi xây dựng chính sách này, yêu cầu cơ bản là đơn giản nhất có thể các loại thủ tục. Tuy nhiên, vẫn có địa phương yêu cầu chủ nhà trọ phải cung cấp đăng ký kinh doanh khi xác nhận cho công nhân thuê trọ.
Cũng có DN nộp hồ sơ cả tháng nhưng địa phương chưa giải quyết kịp thời trong khi theo quy định chỉ được giải quyết trong hạn 2 ngày làm việc. "NLĐ khổ, tiền thì về địa phương rồi mà đến giờ chưa triển khai hỗ trợ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Tính đến ngày 6-8, báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) nêu rõ còn 12 địa phương chưa thực hiện giải ngân gói hỗ trợ thuê nhà cho NLĐ theo Quyết định số 08, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh.
Lúng túng, sợ trách nhiệm
Trao đổi với báo chí, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, cho rằng nguyên nhân chính của việc đến thời điểm hiện nay số hồ sơ được phê duyệt chưa nhiều là do NLĐ, NSDLĐ gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần nên đến tháng 7-2022, hầu hết NSDLĐ mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời. "Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ nhưng đến khi thực hiện, một số địa phương lại máy móc" - ông
Huy cho hay và dẫn chứng việc NSDLĐ yêu cầu NLĐ cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú... kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của NLĐ. Ngoài ra, NSDLĐ có tâm lý sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ.
Cùng với đó, theo ông Huy, là do nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn DN, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách. Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với NLĐ. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ông Huy cho rằng cần phải đôn đốc, tổ chức các bộ phận trực kỹ thuật để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị của NLĐ, NSDLĐ, nhất là tại địa phương có nhiều lao động như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đến NLĐ, NSDLĐ và chủ cơ sở cho thuê trọ; đôn đốc, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ; khẩn trương xác nhận tình trạng tham gia BHXH cho NLĐ để DN hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà gửi UBND cấp huyện phê duyệt trước ngày 15-8-2022 theo quy định.
Làm rõ nguyên nhân chậm trễ
Ngày 8-8, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15-8 tổ chức họp, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.
Trả lời Báo Người Lao Động, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết ngày 13-8, dự kiến Bộ trưởng LĐ-TB-XH sẽ chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến toàn quốc để đôn đốc các địa phương giải quyết rốt ráo việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ theo chỉ đạo của Thủ tướng.