Mục tiêu trong ngày trọng đại đã đạt được, một bước chuyển giao quyền lực êm thấm sau vụ người biểu tình tấn công vào Nhà Quốc hội - một biểu tượng tươi sáng nhất của nền dân chủ quốc gia. Nhưng thành quả đó phải đánh đổi bằng việc phong tỏa Washington, huy động cả chục nghìn Vệ binh Quốc gia, biến thủ đô thành một pháo đài.
Chủ đề chính trong bài phát biểu nhậm chức của ông Joe Biden là hòa hợp quốc gia, với điểm nhấn “không có đoàn kết, sẽ không có hòa bình”. Nhưng những lời nói đó cũng được ông chuyển tới đám đông, bao gồm cả những người trung thành với người tiền nhiệm Donald Trump, số trước đó mới mấy ngày trước còn xông thẳng vào Tòa nhà Quốc hội với ý định bẻ ngoặt kết quả bầu cử.
Hiện diện tại lễ nhậm chức là Hạ nghị sĩ Jim Jordan, người từng diễn thuyết trước buổi tuần hành “Dừng đánh cắp” diễn ra ngay sau ngày bầu cử 3/11/2020. Từ trên sảnh cao, một số thủ lĩnh của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ như Kevin McCarthy, Steve Scalise, Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Josh Hawley – những người chính thức phản đối kết quả phiếu đại cử tri ở bang Arizona và Pennsylvania, cũng đứng xem ông Biden làm nghi thức tuyên thệ, đặt bàn tay phải lên cuốn kinh thánh.
Không thể xem nhẹ hay bỏ qua lệch pha chính trị đang tồn tại ở Mỹ - đó là quan điểm của nhiều người ủng hộ ông Biden, số chào đón ông bước vào Nhà Trắng nhưng cũng không quên cảnh báo về những rào cản lớn nước Mỹ phải đối mặt trong việc phục hồi lại rạn nứt đảng phái vốn bị khoét quá sâu dưới thời ông Trump. Theo Hạ nghị sĩ Dân chủ Dan Kildee, phía trước là cả một chặng đường khá dài để thiết chế chính trị và cả nước Mỹ vượt qua thách thức này.
Nhìn nhận tổng thể, ít nhất vẫn có được cảm nhận rằng, kinh đô chính trị nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường sau bốn năm biến động dưới thời ông Trump. Bên trong khán phòng, có thể nhận thấy các gương mặt đại diện cho nền chính trị dòng chính Washington ở mọi hướng, họ là những người lên án ý định, hành động của ông Trump muốn chặn chiến thắng của ông Biden.
Đó là bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua năm 2016, là cựu Tổng thống Barack Obama. Cả bà Clinton và cựu đệ nhất phu nhân Michael Obama đều mặc bộ đồ màu tím, một sắc màu biểu trưng cho đoàn kết, cũng là chủ đề chính trong bài phát biểu nhậm chức của ông Biden.
Hiện diện bên cạnh họ là hai gương mặt đảng Cộng hòa chỉ trích ông Trump nhiều nhất – Thượng nghị sĩ Mitt Romney và Jeff Flake. Cùng với đó là thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại tại Thượng viện Mitch McConnell và cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan – hai nhân vật từng cảnh báo ông Trump về những tổn thất trước thời điểm diễn ra sự cố ngày 6/1. Chính ông Ryan là người thừa nhận Joe Biden là tổng thống dân cử hợp pháp của nước Mỹ và khẳng định ông lấy làm vinh dự khi được hiện diện ở nhà Quốc hội trong giây phút chuyển gioa quyền lực.
Việc ông Biden có xây được nhịp cầu hàn gắn hay không – tại Quốc hội cũng như trên phạm vi cả nước Mỹ, vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Giới lãnh đạo tại Thượng viện vẫn chưa đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong năm tới, khi cán cân tại thiết chế này vẫn là 50/50, chia đều cho cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Vẫn còn đó những hệ quả nặng nề mà nước Mỹ phải gánh chịu từ đại dịch COVID-19. Tại lễ nhậm chức, tất cả những người tham gia đều phải đeo khẩu trang khi không phát biểu. Tất cả khách mời đều phải bảo đảm giãn cách xã hội. Một ngày trước đó, nước Mỹ đã phá một kỉ lục không hề mong đợi: Đã có 400.000 người chết vì dịch bệnh!
Tương lai của nước Mỹ có thể gói gọn trong phát biểu của Hạ nghị sĩ Katherine Clark, nhân vật số 4 của đảng Dân chủ tại Hạ viện: “Bốn năm vừa qua là quãng thời gian đen tối. Phía trước chúng ta là rất nhiều việc cần làm. Nhưng hôm nay là một ngày lạc quan, một khởi đầu đầy hy vọng”.