Hy hữu vụ đòi tiền chăm em gái bị tâm thần

Tân Sơn |

Người chị tự nguyện chăm sóc em gái bị bệnh tâm thần, sau khi em gái khỏi bệnh thì hai bên phát sinh mâu thuẫn nên người chị khởi kiện đòi 300 triệu đồng tiền công.

Năm 1996, chồng bà Tr. là ông N. bị tòa án tuyên tám năm tù về tội tham ô tài sản. Do cảnh chồng bị tù tội nên năm 1997 bà Tr. bị bệnh tâm thần. Thấy vậy, bà Th. là chị ruột bà Tr. đã tự nguyện đến nhà để chăm sóc em và canh tác trên phần đất vườn có diện tích hơn 3.000 m2 của vợ chồng người em.

Tự nguyện chăm sóc em gái

Sau khi mãn hạn tù, ông N. đã về chăm sóc vợ và qua quá trình kiên trì điều trị, bà Tr. đã khỏi bệnh vào năm 2007. Sau đó, bà Th. trả lại đất cho vợ chồng bà Tr. canh tác và không còn tới lui chăm sóc em gái nữa.

Đến cuối năm 2018, giữa bà Th. và bà Tr. xảy ra mâu thuẫn nên bà Th. đã có đơn gửi chính quyền địa phương yêu cầu bà Tr. phải trả tiền công lao động, cho mình. 

Theo bà Th., đó là tiền công chi phí chăm sóc bà Tr. từ thời gian bà Tr. bệnh đến khi ông N. mãn hạn tù trở về (từ năm 1997 đến năm 2004). Tính theo tiền công lao động, bà Th. cho rằng mình phải được hưởng tổng cộng số tiền gần 300 triệu đồng.

Do chính quyền xã hòa giải không được nên mới đây bà Th. đã nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang) để yêu cầu tòa giải quyết theo thẩm quyền. 

Trong đơn khởi kiện bà Th. ghi rõ yêu cầu khởi kiện của mình là căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 32 BLTTDS 2015. Đó là tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, thuộc trường hợp tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người được giúp.

Trước yêu cầu khởi kiện này, TAND huyện Cái Bè đã thụ lý đơn để giải quyết. Tuy nhiên, đã xuất hiện hai quan điểm trái ngược nhau về việc tòa án thụ lý đơn kiện là có phù hợp hay không.

Hy hữu vụ đòi tiền chăm em gái bị tâm thần - Ảnh 2.

Tranh cãi việc thụ lý đơn kiện

Quan điểm thứ nhất cho rằng theo quy định của Hiến pháp 2013 và khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 thì tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tức là mọi tranh chấp phát sinh trong cuộc sống mà người dân gửi đơn ra tòa thì đều phải thụ lý giải quyết nên TAND huyện Cái Bè đã làm đúng.

Ngoài ra, mặc dù giữa hai bên không có giao kết hợp đồng nhưng bà Th. đã bỏ sức lao động, vật chất của mình ra để chăm sóc bà Tr. thì bà có quyền khởi kiện để đòi lại những khoản chi phí này.

Nhưng quan điểm thứ hai cho rằng tòa có quyền từ chối đơn kiện với lý do: Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo Điều 186 và Điều 187 BLTTDS hoặc đương sự không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự (điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS). Bởi lẽ trong thời gian bà Tr. bị bệnh tâm thần, vì tình nghĩa chị em ruột thịt với nhau nên bà Th. đã tự nguyện chăm sóc bà Tr. (trong đơn khởi kiện bà Th. cũng thừa nhận tự nguyện chăm sóc em).

Dù chưa có quyết định tuyên bố bà Tr. bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng thực tế lúc đó bà Tr. đã bị bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và tự chăm sóc mình. Vì thế, nếu có giao dịch giữa hai bên về việc chăm sóc bà Tr. thì giao dịch này cũng không có cơ sở vững chắc.

Do đó có thể coi rằng giữa hai bên không có giao kết hợp đồng lao động về việc giúp việc nhà hoặc chăm sóc bà Tr. Do không có giao kết hợp đồng nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của nhau. Việc bà Th. tự nguyện chăm sóc cho em ruột gặp hoạn nạn, không có người giúp đỡ thuộc về phạm trù đạo lý, truyền thống của người Việt Nam. Theo tập quán, nó được xem là nghĩa vụ chăm sóc giữa những người thân trong gia đình với nhau.

Thụ lý là đúng nhưng khó xử chấp nhận yêu cầu

Căn cứ khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì việc bà Th. kiện bà Tr. để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên đây không thuộc trường hợp bị tòa án trả lại đơn khởi kiện. Do đó TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã thụ lý đơn khởi kiện của bà Th. Theo tôi là hợp lý và đúng luật.

Tuy nhiên, dù bỏ công chăm sóc bà Tr. khi bà này bị bệnh tâm thần thì bà Th. cũng không phải là người giám hộ và cũng không phải là người đại diện theo pháp luật được quy định tại các điều 46, 47 và 136 BLDS. Vậy nên căn cứ vào Điều 58 BLDS thì bà Th. sẽ không có các quyền như quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ. Bà Th. cũng không được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ…

Tóm lại, vì tình cảm máu mủ ruột thịt nên bà Th. đã tự nguyện bỏ công ra chăm sóc em gái mình. Nhưng nếu quá trình hòa giải cũng như đưa vụ án ra xét xử mà hai bên không thỏa thuận được việc thanh toán chi phí công chăm sóc thì tòa án cũng khó có căn cứ để tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà Th.

Một lãnh đạo tòa chuyên trách thuộc TAND TP.HCM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại