Ông đã gửi video này cho bạn của mình, Annemarie van den Berg, giám đốc tổ chức từ thiện bảo tồn cá voi SOS Dolfijn ở Hà Lan. Sau khi xác nhận với các chuyên gia rằng, con cá voi này thực sự là cá nhà táng, SOS Dolfijn đã chia sẻ đoạn video trên trang Facebook của mình.
Đuôi của cá nhà táng khi nó ngụp xuống đại dương.
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Herman Melville, Moby Dick là tên một con cá nhà táng khổng lồ màu trắng bị săn đuổi bởi thuyền trưởng Ahab, người đã bị mất chân trước con cá voi có răng.
Mặc dù Moby Dick chỉ là truyện hư cấu nhưng cá nhà táng màu trắng là có thật. Màu trắng của nó là kết quả của chứng bạch tạng gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất sắc tố melanin của cá voi.
Shane Gero, một chuyên gia về cá nhà táng tại Đại học Dalhousie ở Canada và người sáng lập Dự án Cá nhà táng trắng, cho biết: "Chúng tôi không biết cá nhà táng trắng quý hiếm đến mức nào. Nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn được nhìn thấy".
Gero cho biết, do đại dương quá rộng lớn nên các nhà khoa học không chắc có bao nhiêu cá nhà táng trắng tồn tại. Cá nhà táng ( Physeter macrocephalus ) cũng cực kỳ khó nắm bắt và khó nghiên cứu vì chúng thường lặn sâu dưới đáy đại dương trong thời gian dài.
Gero nói: "Cá voi nhà táng rất to lớn, có con dài như một chiếc xe buýt, nhưng không được nhìn thấy thường xuyên".
Lần nhìn thấy cá nhà táng trắng gần đây nhất được ghi nhận là vào năm 2015 ngoài khơi đảo Sardinia của Ý. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều người trông thấy ở Dominica (ở Caribe) và Azores (ở Đại Tây Dương) trong những năm gần đây.
Theo Tổ chức Cá voi Thái Bình Dương, một con cá voi lưng gù bạch tạng có tên Migaloo đã được nhìn thấy thường xuyên ở vùng biển Australia kể từ năm 1991. Và vào tháng 7, những người theo dõi cá voi ở Nhật Bản đã phát hiện một cặp cá voi sát thủ trắng, rất có thể là cá voi bạch tạng.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cá nhà táng hiện được xếp vào danh sách dễ bị tuyệt chủng, nhưng số lượng chính xác của chúng trên toàn cầu là bao nhiêu vẫn chưa được hiểu rõ vì thiếu dữ liệu.